Tinh hoa Việt

Thực tế

TRẦN HỮU THĂNG 25/09/2024 16:56

Một trong những câu truyền miệng dân gian hay nhất để nhắc nhở con người nên sống thực tế hơn, nên nhìn thẳng vào sự thật hơn là tự mình đánh lừa mình, tự mình huyễn hoặc mình để phải có một kết cục thảm hại, câu đó là: “Đừng bao giờ đếm cua trong lỗ”. Ai lúc nhỏ ở nông thôn có cái thú đi bắt cua, bắt ốc thì khi đứng trước một cái lỗ hang cua, ai cũng hy vọng nếu thò tay vào sẽ bắt được nhiều cua, nhưng thực tế thì lại cho ra kết quả mỗi lúc một khác, có khi chẳng bắt được con nào.

1.jpg

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Thực tế là: 1/Tổng thể nói chung những gì đang tồn tại, đang diễn ra trong tự nhiên và trong xã hội về mặt có quan hệ đến đời sống con người. Thí dụ: Một chủ trương sát thực tế. Thực tế nước ta. Thực tế cuộc sống. Đi thực tế (để hiểu biết rõ hơn về cuộc sống). 2/Tổng thể nói chung những gì cụ thể xảy ra xung quanh một sự việc, một vấn đề nào đó. Thí dụ: Thực tế cho thấy làm vậy là đúng. Bài học thực tế sinh động. Thực tế sẽ trả lời. 3/Trên thực tế, trong thực tế (nói tắt). Thí dụ: Quyết tâm làm và thực tế đã làm được. Thực tế không ai nghĩ như thế. 4/Có giá trị, có ý nghĩa thiết thực trong các hoạt động của mình. Thí dụ: Óc thực tế. Con người rất thực tế”.

Triết gia cổ đại Hy Lạp, ông Hérondas (năm 300 – 250 trước Công nguyên) đã có một gợi ý về thực tế rất bình dân, dễ hiểu và đầy đủ, đó là: “Nếu phải đi chợ, đâu chỉ cần có lời nói mà cần phải có tiền mới được”. Từ câu danh ngôn này của Hérondas, các nhà Triết học, Tâm lý học, Giáo dục học đã viết được nhiều sách giáo khoa để giảng dạy cho các lứa tuổi ở nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc sống đời thường. Từ đó suy ra: từ câu “Đừng bao giờ đếm cua trong lỗ” của dân gian Việt Nam cho đến “Đi chợ phải cần đến tiền chứ không chỉ cần đến lời nói” của nhà Triết học cổ đại phương Tây đều rất thú vị vì nó đơn giản, dễ hiểu, ai cũng có thể thực hành được.

Bậc thầy về thơ ngụ ngôn La Fontaine (1621 – 1695) cũng nhắc con người đừng tin và đừng làm những chuyện thiếu thực tế, vô ích, mất thì giờ qua câu thơ vui: “Vịt đàn, ai thả, đoán chơi/ Biết đâu cá nước, chim trời mà tin”. Rất tiếc, trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người không lượng sức mình, lao vào những cuộc khởi nghiệp thiếu cơ sở khoa học, thiếu tài chính, thiếu kinh nghiệm thực tế nên đã có một kết cục dở khóc dở cười, tiền mất, tật mang, lãng phí thì giờ, làm hoang mang đầu óc. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cấp có thẩm quyền vẫn thường xuyên nhắc nhở người dân về các thông tin lừa đảo, các tin xấu, tin độc của các tổ chức, cá nhân lừa đảo trong việc tạo công ăn việc làm là “việc nhẹ, lương cao” nghe rất vô lý, thiếu logic. Ấy thế mà có hàng trăm người đã mắc lừa, mắc bẫy đi làm ở xứ người hoặc ở ngay trong nước. Vì sao thế? Có người vì thất nghiệp lâu ngày mong có cơ hội việc làm, có người tham lam lại kém suy nghĩ ... nhưng nói chung họ đều là những người thiếu bình tĩnh, thiếu thận trọng khi nghe thấy một tin lừa đảo lại tưởng là một tin tốt.

Nhà đạo đức học danh tiếng, mẹ Teresa Calcuta (1910 – 1997) đã rất nhân hậu và hiểu rõ sự sốt ruột muốn nhanh chóng thành công của con người, nên bà đã có một lời khuyên rất thực tế và rất nhân đạo. Bà đã nói: “Hãy tận tâm với những việc bình thường, bởi điểm mạnh của bạn nằm ở đó”. Thật đáng quý biết bao, đáng trân trọng biết bao khi mẹ Teresa dạy chúng ta rằng: Điểm mạnh của ta chính là nằm ở các việc bình thường hàng ngày, chứ không phải những mơ mộng, hão huyền, viển vông, như kiểu “Ba voi không được bát nước sáo” là lời răn đe rất quen thuộc trong dân gian để chế riễu những người thiếu thực tế, mất thì giờ vô ích mà không biết yên phận tu chí làm ăn bằng những công việc vừa sức mình, vừa với hoàn cảnh của mình.

Nhà tâm lý học Brillat Savarin (1755 – 1862) cũng rất tâm lý và thực tế đối với đời sống hàng ngày của con người nên ông đã có một danh ngôn hài hước nhưng thật sâu sắc là: “Khám phá ra một món ăn mới cho loài người hạnh phúc nhiều hơn là tìm thêm được một ngôi sao mới”. Nên nhớ rằng câu danh ngôn này của Savarin đã có cách đây gần 200 năm, khi đó khoa học về Thiên văn và Vũ trụ chưa phát triển, nên nó cũng chứng tỏ con người luôn khát khao những cái cụ thể, có lợi ích trước mắt hơn là những hứa hẹn trừu tượng, chưa có thật.

Đến đây, ai cũng nên nhớ đến lời dạy rất giản dị nhưng cũng thật cao siêu của nhà hiền triết cổ đại Lão Tử (năm 571 - 500 trước Công nguyên) khi ông nói: “Người nấu cơm yên tâm nấu cơm, người chẻ củi yên tâm chẻ củi, đó là hạnh phúc của con người”.

Đông phương Cổ học Tinh hoa cũng có lời khẳng định về sự thực tế nên làm sau đây: “Lâm uyên tiện ngư, bất như thoái nhi kết võng” (tạm dịch: Ra hồ khen cá sao bằng lui về nhà mà bện lưới đánh cá). Câu cổ học này rất thú vị ở chỗ: đừng nên có “hội chứng đám đông” ồ ạt, xô bồ, khen cái này, định khởi nghiệp cái kia, trong lúc cơ bản trong tay mình chẳng có cơ sở vật chất nào. Bằng cấp không đủ, kinh tế còn yếu, vậy nên tìm một việc gì dễ làm nhất, có thể thực hiện được, trước mắt có thể có những kết quả tuy khiêm tốn nhưng có thật, có thể đạt được, không bị hụt hẫng mà thêm sự chán nản, mất phương hướng.

Nhớ lại năm 1978 có một Hội nghị toàn cầu về Y tế tại Mexico City của Liên Hiệp Quốc. Tại Hội nghị này các nhà khoa học đã có những dự đoán về bệnh tật và sức khỏe con người khi nhân loại bước vào thế kỷ XXI sẽ ra sao? Đến nay, năm 2024, qua gần 50 năm thực tế diễn ra thì thấy rõ kết quả không như dự đoán, cụ thể là:

Những dự đoán về xóa sổ được một số bệnh do virus gây ra đã không thực hiện được, mà lại mắc thêm nhiều đại dịch làm chết rất nhiều người như SARS, Covid-19.

Nhiều bệnh tưởng xóa sổ được như lao, hủi, các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì vẫn phải kéo dài thêm hàng chục năm nữa mới hy vọng dập tắt được.

Những biến động về dân số cũng không lường trước được như dân số già hóa quá nhanh, số người trẻ không lấy vợ lấy chồng, số vụ ly hôn, sống độc thân ngày càng tăng sẽ gây thiếu hụt nhân công, khiến cho nhiều nước phải đưa lao động nước ngoài nhập cư. Biến động này thấy rõ ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tất cả những thí dụ trên đã cho thấy một lần nữa: Thực tế cuộc sống là một cái gì đó uyển chuyển, thông thái, bất ngờ và cũng thật khoa học và thú vị. Nó đòi hỏi chúng ta, những con người bình thường sống trong những hoàn cảnh xã hội bình thường thì lúc nào cũng nên suy nghĩ đến một công việc, một dự định bình thường và thực tế.

Ngạn ngữ cổ Italia đã có câu: “Một con chim trong lồng quý hơn trăm con chim bên ngoài” đã nhắc nhở chúng ta đến một triết lý rất đơn giản là: Hạnh phúc là cái “Bây giờ và Ở đây” (Now and Here). Bằng lòng với cái mình đang có hôm nay là hạnh phúc và thực tế.

Trong thực tế cuộc sống hàng ngày, nếu ta không ước muốn gì, không muốn vượt lên để thay đổi cuộc sống hiện tại cũng lại là điều nên tránh, bởi vì đó là sự an phận, không có trí tiến thủ, không có ý chí phấn đấu. Vậy thì giới hạn nào có thể cho phép ta vẫn ước mơ, vẫn hy vọng, vẫn phấn đấu mà không xa rời với thực tế? Đó là phải bám sát thực tế mới hy vọng có ngày đạt được, với tới được điều mong muốn của mình.

Nhà triết học cổ đại Terence (từ 190 đến 159 trước Công nguyên) đã chỉ dạy chúng ta cách suy nghĩ đúng đắn giữa mong muốn và thực tế qua câu danh ngôn để đời sau đây: “Vì không thể làm được những gì anh ao ước, anh nên ao ước những gì anh có thể làm”. Đây quả thực là một triết lý sống rất cao quý, rất con người. Hàng nghìn năm đã trôi qua, nhưng chưa có danh ngôn nào thay được lời dạy cực kỳ nhân ái và thực tế này của Terence.

Câu danh ngôn của Đông phương cổ học Tinh hoa sau đây cũng làm ta suy nghĩ trong việc thành công khi đạt được điều mà ta mong muốn, đó là: “Ngật đắc khổ trung khổ, phương vị nhân thượng nhân” (tạm dịch: Muốn làm được một người hoàn hảo, ắt phải nếm đủ vị cay đắng).

TRẦN HỮU THĂNG