Khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp tư nhân
Kinh tế tư nhân đã và đang đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đã có những tập đoàn tư nhân vươn ra khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để có thể có nhiều hơn những doanh nghiệp “đầu tàu”, rất cần những chính sách hỗ trợ tạo đòn bẩy cũng như sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh từ phía nhà quản lý.
Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp mới đây với tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã dẫn số liệu, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 45% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) chiếm khoảng 34%. Một lực lượng tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị DN, có thương hiệu đã vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Xuất hiện những doanh nghiệp đầu tàu
Nói về vai trò của các DN tư nhân lớn, các tập đoàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các DN lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho DN nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác. Với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, đã đến lúc đặt lên vai DN lớn những sứ mệnh lớn lao hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT, quốc gia nào cũng có chủ trương xây dựng cho được những DN, tập đoàn lớn xuyên quốc gia, từ đó có thể dẫn dắt cuộc chơi ở quy mô toàn cầu. Việt Nam cũng cần có những DN tầm cỡ như vậy. Họ không chỉ đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế về lao động, năng lực sản xuất, thu ngân sách, mà còn có thể tham gia vào sân chơi trên thế giới, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với sân chơi trong nước, họ có khả năng làm “cánh chim đầu đàn”, dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy, lôi kéo các thành phần kinh tế khác phát triển, hưởng lợi theo.
Là tập đoàn đa ngành hàng đầu tại Việt Nam với lĩnh vực chính là sản xuất và lắp ráp ô tô, dẫn đầu ngành ô tô và mở rộng nhiều lĩnh vực khác như cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư xây dựng, thương mại, dịch vụ và giao nhận vận chuyển, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải phân tích, với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để đầu tư vào, đòi hỏi nhiều về sản lượng và yêu cầu cao về công nghệ. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đã có trong rất nhiều ngành nghề. Vì vậy, ông Dương đưa ra kiến nghị, Chính phủ xem xét và quan tâm lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, 80% lợi nhuận toàn cầu được tạo ra bởi 10% DN lớn nhất. Các DN lớn bình quân đóng góp đến 1/3 kim ngạch xuất khẩu, 1/2 tốc độ tăng xuất khẩu của quốc gia. Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, Nhật Bản đều gắn liền với các thương hiệu lớn của những DN tư nhân.
Ở Việt Nam, số liệu thống kê tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của một số DN tư nhân lớn đạt khoảng 70 tỷ USD. Việc huy động được khối tài sản này, cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các DN bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước.
Theo TS Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Quốc tế (Viện Chiến lược phát triển, Bộ KHĐT), với 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay, bình quân mỗi đơn vị có quy mô lao động gấp 160 lần, tổng tài sản gấp khoảng 376 lần mức bình quân của khu vực DN tư nhân còn lại. Nhờ đó, mặc dù chiếm tỷ trọng vô cùng nhỏ (0,075%) trong tổng số khoảng 700.000 DN tư nhân trên cả nước, nhưng 500 “sếu đầu đàn” đã và đang tạo việc làm cho 12% lao động, chiếm 28% tổng tài sản, tạo ra 18,4% doanh thu và đóng góp 18,4% nộp ngân sách của nhóm DN tư nhân.
Theo đó, 500 “sếu đầu đàn” có tác động lan tỏa về đầu tư tới các DN tư nhân trong nước. Cứ mỗi 1% vốn đầu tư tăng thêm của 500 DN này làm tăng đầu tư của DN tư nhân trong nước thêm 0,45% trong năm đầu tiên và tăng thêm 0,26% tổng năm tiếp theo. Điều này đồng nghĩa, đầu tư của DN tư nhân lớn thúc đẩy nhu cầu đầu tư của DN tư nhân nhỏ hơn với vai trò là nhà cung cấp hoặc DN vệ tinh của 500 “sếu đầu đàn”.
Nói về vai trò của các DN “đầu đàn”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nền kinh tế rất cần những DN có vai trò dẫn dắt, do đó cần các chính sách để khuyến khích, thúc đẩy các DN lớn lên, mạnh lên và hướng đến cải tạo năng suất, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu. Có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết DN; khuyến khích DN lớn, DN nhà nước, DN FDI liên doanh, liên kết với các DN vừa và nhỏ trong nước; đồng thời nâng cao năng lực DN tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; có sự khuyến khích và tạo phong trào để từng địa phương xây dựng được các DN tư nhân hàng đầu của mình dựa trên những lợi thế địa phương và vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước.
“Vai trò của “sếu đầu đàn” không chỉ là một sự công nhận mà còn là trọng trách mở đường, dẫn dắt sự tăng trưởng của cả nền kinh tế, gắn với khát vọng phát triển đất nước” – ông Doanh nhấn mạnh.
Cần chính sách để thúc đẩy các “sếu đầu đàn”
Trong nhiều năm trở lại đây, sự phát triển của các DN tư nhân lớn, các tập đoàn kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư như du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông… Những DN “sếu đầu đàn” như Vingroup, THACO, Hòa Phát… đều có chiến lược phát triển vì mục tiêu chung phát triển kinh tế của đất nước.
Giới chuyên gia cho rằng, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những DN trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, để các DN tư nhân phát triển mạnh mẽ, bên cạnh các chính sách hỗ trợ DNNVV, cần hướng tới thúc đẩy phát triển lực lượng DN tư nhân lớn trong nước để họ phát huy vai trò “đầu tàu” dẫn dắt, lôi kéo.
Chuyên gia kinh tế - TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, nhưng cần hơn nữa những chính sách tạo ra các chuỗi công nghiệp của Việt Nam, do người Việt Nam đứng đầu. Đồng thời, cần tạo cơ hội để DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị của các DN FDI.
“Chúng ta hãy học tập Nhật Bản, xây dựng mô hình DN nhiều tầng. Có DN lớn, DN cực lớn, DN vừa, DN nhỏ, DN siêu nhỏ... Từ chiến lược này, chúng ta dễ dàng phân chia, định hình chiến lược phát triển để phù hợp với từng tầng DN” - TS Trần Đình Thiên nói.
Việt Nam cần khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo. Đây là hành động “bơm máu” cho cộng đồng DN, cho nền kinh tế, từ đây, nhiều gương mặt tỷ phú mới sẽ xuất hiện, tạo ra những “sếu đầu đàn” dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
Nhiều quan điểm nhấn mạnh bằng cách nào đó tăng cường niềm tin đối với DN Việt Nam, giao cho những dự án mà DN có đủ năng lực thực thi.
Ở góc độ DN, ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn KN Group – Tập đoàn đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng, năng lượng tái tạo nhấn mạnh cộng đồng DN rất tin tưởng Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển công nghiệp thế hệ mới, có quy mô cạnh tranh trên phạm vi khu vực, đồng thời, các DN cũng mong Chính phủ có thể sớm ban hành những chính sách mới nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai trong phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, để hỗ trợ những DN này, ngoài cơ chế chính sách, điều quan trọng nhất Nhà nước phải tạo ra một sân chơi lớn hơn, để các DN lớn tham gia đóng góp cho nền kinh tế, thúc đẩy các DN khác phát triển.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết,ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong đó nhiều nhiệm vụ cần có sự tham gia chủ đạo, chung tay của các doanh nghiệp lớn. Cụ thể việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục) và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia; Triển khai Quy hoạch điện VIII, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về chuyển đổi than sang năng lượng sạch và thu hút đầu tư các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và phát triển hydrogen tại Việt Nam; Phát triển, phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số và đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...