Tinh hoa Việt

Chuyển động với tò he

THƯ HOÀNG 26/09/2024 10:42

Cuộc sống chuyển động và đổi thay. Giữa muôn trùng đồ chơi hiện đại cho trẻ em, những món đồ chơi truyền thống vẫn có sức hấp dẫn không nhỏ. Tò he là một trong số đó.

3.jpg
Cuộc “so găng” giữa đồ chơi hiện đại với đồ chơi truyền thống.

Theo các nghệ nhân làng tò he Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội), trước đây, tò he làm bằng bột dùng để cúng lễ, sau khi chơi trẻ con có thể ăn. Tò he có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên có thể ăn được. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te” thế nên có lẽ người ta gọi là “tò te”, sau này nói trại thành “tò he”.

Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là “con bánh” vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng.

Ngày nay, ở nhiều lễ hội dân gian, phố đi bộ, hoặc những nơi vui chơi công cộng khác, bên cạnh những trò chơi hiện đại thì những quầy tò he vẫn thu hút được nhiều em nhỏ. Ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), khu vực đền Bà Kiệu luôn có những nghệ nhân không chỉ bày bán sản phẩm tò he mà còn hướng dẫn các em nặn tò he. Hình thức trải nghiệm này giúp các em hiểu sâu hơn về nghệ thuật nặn tò he truyền thống…

Và hình tò he ngày nay cũng đa dạng hơn xưa rất nhiều. Không chỉ có những hình thù truyền thống, các nghề nhân đã tìm tòi, nặn ra những hình thù mà trẻ em ngày nay yêu thích như công chúa Elsa, siêu nhân, người nhện, mèo máy Doreamon, Pokemon… Rất nhiều du khách nước ngoài đã dừng lại để tìm hiểu và trải nghiệm với nghề nặn tò he truyền thống của người Việt Nam.

6.jpg
Tò he hình mèo máy Doreamon.
5.jpg
Tò he hình con ngựa.
2.jpg
Hướng dẫn trẻ nặn tò he ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).
1(1).jpg
Sắc màu tò he thu hút các em nhỏ.
img_9543.jpg
Hình thù tò he ngày càng đa dạng, bắt mắt, để thu hút trẻ em.

THƯ HOÀNG