Chọn tổ hợp môn học: Hạn chế việc chuyển hướng giữa chừng
Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 3 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 10. Chương trình học đã được triển khai gần 1 tháng, song cho đến thời điểm này vẫn có những học sinh tại Hà Nội muốn xin chuyển tổ hợp.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tình trạng học sinh muốn đổi tổ hợp môn học gần như ở trường nào cũng có. Đơn cử, tại Trường THPT Cầu Giấy có những học sinh đang muốn đổi môn học lựa chọn từ tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) sang môn học lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN); tại Trường THPT Trương Định cũng có những em muốn đổi tổ hợp, hoặc muốn chuyển từ lớp học này sang lớp học khác cho phù hợp với sở trường.
Lý do được học sinh đưa ra rất giống nhau, đó là sau khi học một thời gian các em thấy mình không phù hợp với môn đã chọn, giờ muốn đổi tổ hợp môn học để phục vụ cho thi đại học sau này. Nếu tiếp tục học tổ hợp các môn như đã chọn hồi đầu năm, việc học sẽ rất nặng.
Tìm hiểu được biết, ngoài nguyên nhân thay đổi định hướng để thi đại học, hay do chọn tổ hợp không phù hợp năng lực, nhiều học sinh và kể cả phụ huynh cũng chưa hiểu rõ về nội dung một số môn học như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ… Dẫn đến chưa hiểu hết về ngành học và nghề nghiệp liên quan nếu học các tổ hợp có các môn học này. Cũng có không ít trường hợp học sinh chọn theo cảm tính, đám đông, né các môn học mà các em cho là khó ở cấp THPT như là Vật lý, Hóa học, Sinh học...
Ông Nghiêm Chí Thành - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy cho hay, nhà trường đã có định hướng, tư vấn từ rất sớm với phụ huynh và học sinh lớp 10, bởi việc lựa chọn môn học theo tổ hợp liên quan tới quá trình học tập lâu dài cũng như tương lai của các em. Cụ thể là việc song hành nhiều biện pháp để tư vấn cho học sinh và phụ huynh theo hướng chuyên sâu, giúp các em lựa chọn được môn học/tổ hợp phù hợp.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức chia sẻ, trước đó ngày 15/8 là thời hạn cuối cùng để học sinh có thể đổi lựa chọn tổ hợp. Nhà trường sẵn sàng tạo mọi điều kiện để học sinh được học đúng với đam mê và mong muốn của mình. Đã có trường hợp học sinh sau khi đăng ký xong đã về suy nghĩ lại, các con có những thay đổi, 1 lần hay 2, 3 lần, trường cũng sẵn sàng đáp ứng.
Theo hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (đầu năm 2023) về chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT, học sinh lớp 10 sẽ được thay đổi môn học lựa chọn, đổi tổ hợp vào cuối năm học. Tại Hà Nội, với những trường hợp như vậy, các nhà trường đều có tư vấn việc đổi sao để giảm số môn phải học bù; bố trí dạy bù kiến thức này cho học sinh. Dẫu thế, theo bà Nguyễn Bội Quỳnh, khi học sinh muốn đổi sang tổ hợp khác cần hết sức cân nhắc vì phải học bù lại kiến thức của bộ môn mới để đảm bảo tính liên thông, kết nối về kiến thức. Nếu số môn học bù nhiều, lên tới 2 - 3 môn thực ra sẽ rất khó để các em tiếp cận kiến thức trong những năm học tiếp theo.
Ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) khẳng định, với việc lựa chọn tổ hợp môn học như hiện nay, học sinh phải học hết môn học sau 1 năm mới có thể thay đổi môn học lựa chọn. Điều này đồng nghĩa với việc các em phải có kết quả của môn học đã chọn sau 1 năm mới có đủ điều kiện lên lớp. Cùng đó, các nhà trường cũng sẽ phải phối hợp với học sinh để giúp các em có đủ điều kiện về kiến thức, mới có thể học được ở những lớp tiếp theo. Ông Nhâm lưu ý, học sinh và phụ huynh cần nghiên cứu thật kỹ trước khi đăng ký các môn học tổ hợp, nhằm tránh trường hợp đang học giữa chừng thì muốn đổi, như vậy sẽ rất mệt mỏi.
Như vậy, việc thay đổi lựa chọn tổ hợp sẽ chỉ được thực hiện khi năm học kết thúc. Trong khi những học sinh khác được học kiến thức trên lớp dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của thầy cô bộ môn thì những học sinh chọn sai tổ hợp, nay muốn chọn lại sẽ phải tự bổ sung lượng kiến thức cần thiết theo yêu cầu. Trên thực tế, việc này không dễ dàng, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn của học sinh và gia đình.
Do đó, để hạn chế việc đổi tổ hợp môn học giữa chừng, trước khi chọn lựa, học sinh cần căn cứ nhiều yếu tố gồm năng lực, sở thích, dự định nghề nghiệp và đừng ngại ngần chia sẻ với giáo viên, phụ huynh để cùng đưa ra quyết định phù hợp nhất. Cùng đó, việc tư vấn cho học sinh phải sâu sát, thiết thực hơn. Đây là kinh nghiệm rất cần thiết cho lứa học sinh lớp 9 năm nay.