Giáo dục

Thước đo nào để đánh giá, khen thưởng học sinh?

Nguyễn Hoài 26/09/2024 15:23

Việc tặng giấy khen tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, TP HCM) đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều về cách khen thưởng học sinh tiểu học.

Học sinh nào được nhận giấy khen theo quy định?

Quyết định của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn trong việc chỉ phát giấy khen cho học sinh đóng góp từ 100.000 đồng trở lên trong chương trình quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ khiến nhiều người đặt câu hỏi về giá trị giáo dục và cách tặng giấy khen, thư khen của nhà trường có đúng quy định?

lqd2.jpeg
Lễ khai giảng tại Trường tiểu học Lê Quý Đôn. Ảnh: Website nhà trường.

Theo một cán bộ quản lý của Sở GDĐT TP HCM, việc khen thưởng học sinh có việc làm tốt, năng lực nổi trội,... luôn được ngành Giáo dục chú trọng trong quá trình đánh giá thường xuyên. Nhà trường, giáo viên tổ chức khen học sinh tham gia ủng hộ đồng bào bão lụt là hành động rất đúng và kịp thời.

Tuy vậy, việc đưa ra mức đóng góp để nhận thư khen hay giấy khen chưa phù hợp, không gây được tác dụng lớn.

Được biết, hiện quy định về đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ban hành ngày 4/9/2020 của Bộ GDĐT.

Bên cạnh quy định về đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, Thông tư 27 quy định rõ về việc khen thưởng học sinh.

Cụ thể, hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh vào cuối năm học cho các học sinh đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc, Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện.

Ngoài ra, nhà trường khen thưởng đột xuất đối với các học sinh có thành tích đột xuất trong năm học.

Học sinh có thành tích đặc biệt cũng sẽ được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt.

Giáo dục lòng nhân ái từ những món quà được nhận

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Kiều Thị Minh Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, với những học sinh có việc làm tốt, đột xuất rất cần được nêu gương, khen thưởng để các em có thêm động lực.

Tuy nhiên, khi học sinh tham gia một phong trào do một trường, một huyện hay một thành phố phát động thì không nên tặng giấy khen. Bởi đây là hoạt động tập thể, chứ không phải thành tích đột xuất.

Nam phương tiến
Cô và trò Trường Nam Phương Tiến A dọn dẹp trường lớp, chống bão lũ sau ngày tựu trường năm học 2024-2025.

Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A là một trong số trường nằm trong vùng rốn lũ của TP Hà Nội. Cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại đáng kể cho nhà trường. Tới hôm nay (26/9), học sinh của trường vẫn chưa thể đến trường học trực tiếp bởi trường vẫn đang bị ngập nước.

Tuy nhiên, để việc dạy và học không bị gián đoạn, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A đã đưa toàn bộ học sinh của nhà trường học nhờ tại một Trường THCS Nam Phương Tiến B. Bà Hoa cho biết, đây là giải pháp khắc phục hậu quả sau bão lũ của nhà trường nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học.

Qua nhiều cơn bão và những trận ngập lịch sử, cô và trò Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A đã nhận được rất nhiều sự yêu thương, chia sẻ của các cấp lãnh đạo, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm.

Bà Hoa cho biết, những món quà ủng hộ mà học sinh nhà trường nhận được không chỉ có sách giáo khoa, cặp sách mới mà còn cả sách cũ, cặp sách đã dùng rồi. Qua câu chuyện giữa đồ mới và đồ cũ, nhà trường đã giáo dục các em biết trân trọng những tình cảm của mọi người dành cho mình.

“Ngoài nhận quà ủng hộ, học sinh nhà trường cũng tham gia tất cả các phong trào thiện nguyện khác với tinh thần "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều". Các con cần học cách yêu thương, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn bằng sức mình có thể. Cho đi bằng cả tấm lòng mà không mong nhận lại hay chỉ vì được khen thưởng”, bà Hoa chia sẻ.

Nguyễn Hoài