Vụ sụt lở Trường THCS Lâm Phú (Thanh Hóa): Nhiều em nghỉ học vì đi lại khó khăn
Do điểm trường chính và điểm trường đang xây dựng bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở đất nên 263 học sinh và 13 thầy cô giáo Trường THCS Lâm Phú, huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) phải đi học nhờ ở nơi cách xa gần 8km so với trường cũ. Việc này đang làm đảo lộn mọi sinh hoạt, học tập của cán bộ, giáo viên cũng như toàn thể học sinh.
Ngày 10/9 vừa qua, do mưa lớn kéo dài làm hơn 6.000m3 đất, đá phía sau quả đồi thuộc bản Đôn sạt trượt vào lưng công trình Trường THCS Lâm Phú đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hậu quả, công trình trường học 2 tầng với 8 phòng và nhà hành chính - bộ môn đang cải tạo bị sạt lở với chiều dài khoảng 75m, cao khoảng 13m, làm sập đổ hoàn toàn khu nhà vệ sinh.
Ngoài ra, đất đá còn tràn vào tầng 1, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu của công trình (cột bị nghiêng, gãy, bong lộ cốt thép; nứt móng, tường; có nguy cơ cao bị sập đổ).
Trước tình trạng trên, ngày 20/9, UBND huyện Lang Chánh đã quyết định sơ tán toàn bộ 263 học sinh và 13 giáo viên của Trường THCS Lâm Phú về học tại 2 điểm trường của Trường Tiểu học Lâm Phú (lớp 6 học tại điểm lẻ ở bản Cháo Pi; lớp 7, 8, 9 học tại điểm chính ở bản Bốc). Đến ngày 23/9, các học sinh đã bắt đầu quay trở lại học tập.
Theo ông Lê Danh Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Lâm Phú, điểm lẻ ở bản Cháo Pi chỉ cách trường khoảng 500m, trong khi điểm chính ở bản Bốc, cách trường tới gần 8km. Trong những ngày học tạm đầu tiên, những bất cập về khoảng cách địa lý đã bắt đầu gây rắc rối lớn cho học sinh và giáo viên nhà trường.
Cô Lương Thị Hạnh – giáo viên Ngữ văn, chủ nhiệm lớp 9B (Trường THCS Lâm Phú) cho biết: Từ khi di dời sang trường mới, nhiều học sinh trong lớp đã phải nghỉ học do trường ở xa nhà, bố mẹ bận việc không thể đưa đón con. “Lớp tôi có em Lương Văn Quyền, nhà ở bản Nà Đang, cách trường Tiểu học Lâm Phú 17km. Từ hôm học trở lại, Quyền mới chỉ đến lớp có 1 buổi. Khi tôi gọi điện hỏi, em cho biết bố mẹ đi làm xa nên không có ai đưa đón, nếu đạp xe cũng không kịp đến trường” - cô Hạnh chia sẻ.
Không chỉ học sinh bị ảnh hưởng, đối với giáo viên, việc phải liên tục phải “chạy sô” giữa 2 điểm trường cũng khiến họ rất mệt mỏi. “Do đặc thù địa hình đồi núi, dốc cao, đường xấu nên việc đi lại ở Lâm Phú rất vất vả. Đó là chưa kể, nếu gặp sự cố trên đường, chúng tôi có khả năng bị lỡ hoặc chậm tiết học, ảnh hưởng đến việc giảng dạy các em”- cô Hạnh nói.
Cô Lê Thị Thơ - giáo viên chủ nhiệm lớp 6A, dạy môn Địa lý (Trường THCS Lâm Phú) cho biết: Trong số 13 thầy cô tại trường, có 4 thầy hiện đang ở nhờ nhà văn hóa xã, 3 cô xuống xin trọ ở nhà dân và các phòng còn trống của Trường Tiểu học Lâm Phú. Việc này phát sinh chi phí và khá bất tiện trong sinh hoạt. “Trước kia, ở nhà tập thể, mọi người mua đồ để nấu ăn. Tuy nhiên, từ khi sang đây, mọi thứ thiếu thốn, phòng ốc lại nhỏ, không gian quá hẹp nên chỉ đủ kê cái bàn với giường. Muốn xin ăn nhờ ở nhà dân thì ngại, còn hàng quán lại không có nên mấy bữa nay, tôi toàn ăn mỳ tôm. Còn về việc tắm rửa, vệ sinh đúng là nan giải nhất, khi phòng tắm và nhà vệ sinh ở đây khá tạm bợ”- cô Thơ nói.
Ông Lê Danh Sơn cho biết: “Ban Giám hiệu nhà trường đang động viên mọi người cố gắng vượt qua những ngày khó khăn này. Đối với học sinh, chúng tôi hiện khá lo lắng khi đã bắt đầu xuất hiện nhiều trường hợp nghỉ học do đi lại khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài, sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến việc học và thi cử của các em” - ông Sơn nói, đồng thời mong muốn, UBND huyện Lang Chánh sớm xử lý xong khối đất đá sạt trượt xuống công trình đang xây dang dở ở gần núi để nhà trường được quay trở lại vị trí cũ giảng dạy, học tập.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh cho biết: Ngày 23/9, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đồi đất tại Trường THCS Lâm Phú, giao UBND huyện Lang Chánh kiểm tra, khảo sát, đánh giá cụ thể về phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở và xác định giải pháp xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kinh phí để xây dựng trường học ở vị trí mới. “Hiện UBND huyện đã giao các phòng chức năng tiến hành các bước kiểm tra, khảo sát ở vị trí mới. Trước mắt, khu vực trường đang xây dang dở có nguy cơ đổ sập rất cao, thời gian tới sẽ phá dỡ để đảm bảo an toàn cho trường học phía sau, khi nào xong, nhà trường mới quay trở lại vị trí cũ dạy và học”- ông Sơn nói.