Ung thư đại trực tràng: Bệnh theo miệng mà vào
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam, ung thư đại trực tràng thuộc nhóm 5 ung thư thường gặp ở Việt Nam, với số ca tử vong ngày càng tăng. Điều đáng nói, căn bệnh này có liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt.
Chia sẻ tại Hội thảo Khoa học ung bướu Cần Thơ lần thứ XIII, do Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ tổ chức ngày 26 & 27/9 tại TP Cần Thơ, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho biết: ung thư đại trực tràng chiếm vị trí thứ 3 trong gánh nặng ung thư toàn cầu. Thống kê của Globocan cho thấy, trong năm 2022 trên thế giới có hơn 1,9 triệu ca mắc mới, 904.019 người tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ tư trong số các bệnh ung thư thường gặp với 16.835 ca mắc mới (chiếm 9,3%) và 8.454 ca tử vong hàng năm (chiếm 7,0%).
Ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng, cụ thể, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính của đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng, trĩ, táo bón... Ung thư đại trực tràng cũng có yếu tố di truyền cao hơn những loại ung thư khác khoảng 20%.
Tuy nhiên đây là một loại ung thư ngăn ngừa hiệu quả, dễ phát hiện bệnh sớm và điều trị khỏi hoàn toàn. Ngay cả người đã điều trị ung thư này mà bị tái phát thì cơ hội chữa khỏi cũng vẫn cao.
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, 4 nguy cơ dễ mắc bệnh gồm: tuổi tác (bệnh thường gặp ở những người trên 50 tuổi); bệnh sử gia đình; bệnh sử cá nhân và đặc biệt là nếp sống không lành mạnh.
"Có thể nói ung thư đại trực tràng là căn bệnh theo miệng mà vào bởi thói quen ăn thực phẩm chế biến từ thịt đỏ, ít ăn rau củ, trái cây, ăn đồ ăn quá béo, quá mặn, ít vận động và hút thuốc uống rượu khiến nguy cơ mắc bệnh tăng cao" - GS.BS Nguyễn Chấn Hùng nhấn mạnh.
Do đó, người dân cần phải biết cách phòng ngừa, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao đều đặn, tránh bia rượu và thuốc lá vì đó là những tác nhân hiệp lực tạo nên nhiều nguy cơ ung thư.
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cũng khuyến cáo: từ 45 tuổi người dân nên chủ động tầm soát bệnh bằng phương pháp nội soi ruột sớm. Những người hay gặp các triệu chứng này (chảy máu, thay đổi thói quen của ruột, đau bụng, sụt cân vô cớ) hoặc có bệnh sử gia đình nên tầm soát sớm hơn. Với trình độ phát triển của y học hiện đại, nếu bệnh ung thư đại- trực tràng được phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi là hơn 90%.
Tại Hội thảo, GS. Jaw-Yuan Wang, Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Khoa Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc) cũng chia sẻ kinh nghiệm của Đài Loan trong điều trị ung thư Đại trực tràng giai đoạn II-III. Theo đó, trong giai đoạn II-III của ung thư Đại trực tràng, hoá trị bổ trợ đóng vai trò quan trọng. Trong số những bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn III, 83% tái phát xảy ra trong vòng 3 năm sau phẫu thuật. Những bệnh nhân này có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ hóa trị bổ trợ.