Lòng tốt xa lạ với sự phô trương
Những ngày qua, hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn do bão số 3, nhiều người trong giới giải trí, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã có những đóng góp tích cực. Tuy nhiên, trong hoạt động thiện nguyện đó vẫn có những “hạt sạn” không đáng có.
Rất không vui khi trong lúc mọi người hướng về đồng bào vùng lũ lụt thì trên mạng xã hội lại xuất hiện những câu chuyện ồn ào liên quan đến nghệ sĩ, người nổi tiếng như phát ngôn thiếu cân nhắc, những màn đấu khẩu “bóc phốt”, bịa đặt, tung tin thất thiệt; nhất là câu chuyện “phông bạt” - tự tô vẽ để đánh bóng, “làm màu” cho bản thân.
Vô nghĩa khi “phông bạt”
Giữa lúc miền Bắc đang lũ lụt thiên tai, một câu nói trước đây của ca sĩ Hà Anh Tuấn “dân chơi giờ phải khoe cứu được bao nhiêu người, chứ khoe cái xe, cái túi là lỗi thời rồi”. Từ đó, nhiều người đã kể lại những hành động đẹp anh đã và đang làm, người hâm mộ đã gọi anh là “dân chơi nhân ái”.
Tất nhiên, không riêng gì Hà Anh Tuấn mà nhiều người trong làng giải trí cũng có những hành động đẹp như vậy, góp phần lan tỏa tình nhân ái trong cộng đồng. Nghệ sĩ Việt không đứng ngoài nỗi đau của đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai. Những cái tên với những cử chỉ hào hiệp cứ nối dài thêm mãi.
Nhưng thật đáng tiếc lại cũng xuất hiện những hành động, lời nói không đẹp, ảnh hưởng đến giới nghệ sĩ nói riêng và phần nào ảnh hưởng tới hoạt động từ thiện nói chung. Dựa vào ảnh hưởng của mình, một vài người nổi tiếng đã kêu gọi ủng hộ bằng tài khoản cá nhân nhưng không chủ động sao kê tài khoản; báo cáo thu chi sơ sài, chiếu lệ trên trang cá nhân mà không có hóa đơn, chứng từ... gây tranh cãi, thậm chí đánh mất lòng tin.
Cũng từ đó mà có nghệ sĩ bị mang tiếng “ăn chặn tiền từ thiện” và nhận nhiều lời chỉ trích nặng nề. Ngược lại, việc bị đánh đồng, chỉ trích oan khiến một số nghệ sĩ ngại ngần làm từ thiện, hoặc bày tỏ lòng thiện nguyện một cách thầm lặng. Đó là điều rất đáng tiếc.
Và cũng thật đáng trách khi trong những ngày ủng hộ đồng bào vùng lũ phía Bắc vừa qua, một số nghệ sĩ đã nói quá lên số tiền ủng hộ mà họ quyên góp được lên gấp nhiều lần. Đến khi các bản sao kê số tiền ủng hộ được MTTQ Việt Nam công khai, nhiều trường hợp thiếu trung thực đã bị cư dân mạng phát hiện.
Tới nay, cộng đồng mạng cũng đã “điểm mặt” không ít người nổi tiếng dính lùm xùm sao kê. Trong đó có người “phù phép” từ 500 nghìn đồng thành hàng trăm triệu đồng; có trường hợp con số đó còn là hàng tỷ đồng. Một số người nổi tiếng, nghệ sĩ thay vì mang “sự nổi tiếng” của mình đi kêu gọi ủng hộ, quyên góp và đóng góp thì lại tranh thủ “làm màu”. Một số người “dàn cảnh” mình đến vùng lũ như thật, nhưng hóa ra cũng lại là chuyện “phông bạt”...
Những câu chuyện “màu mè” rất phản cảm như vậy đã gây dư luận ồn ào. Thiện nguyện là việc làm nhân văn xuất phát từ trái tim, số tiền tùy tâm, người nhỏ góp sức nhỏ, người lớn đóng góp lớn. Việc làm tốt đẹp như từ thiện không cần “phông bạt”, hình thức để tạo tiếng vang cho cá nhân. Giá trị của lòng tốt không bao giờ đi cùng với sự phô trương, đã làm từ thiện thì tại sao phải mất công “phông bạt”? Và cũng rất đáng lo ngại khi hoạt động từ thiện bị biến tướng và trở thành cơ hội để một số cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội dùng để xây dựng hình ảnh cá nhân, lợi dụng trục lợi.
Nếu hoạt động từ thiện bị biến thành cuộc đua danh tiếng mà không còn là lòng trắc ẩn dành cho những hoàn cảnh kém may mắn thì thật đáng trách. Sau khi bị “sao kê chiếu tướng”, bị “bóc phốt” thì cho dù có lên mạng xin lỗi, thanh minh đủ kiểu thì hình ảnh bao lâu xây dựng cũng sẽ bị “bay màu”. Nói cách khác, đánh bóng tên tuổi, xây dựng hình ảnh và tận hưởng niềm vui được tán dương trên các nền tảng mạng xã hội; hoặc nhằm mục đích “câu like”, “câu view”, tăng tương tác trên mạng xã hội.... tất thảy cũng đều vô nghĩa. Vì thiện nguyện là câu chuyện của trái tim.
“Bản cam kết” của nghệ sĩ
Ứng xử trên mạng xã hội của nghệ sĩ, người nổi tiếng vẫn là câu chuyện thời sự. Thực ra, việc này cũng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định, thông qua Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó nhấn mạnh đến hành vi ứng xử là những phát ngôn, tác phong, lối sống, sử dụng trang phục của người nghệ sĩ, nhằm kịp thời chấn chỉnh những hiện tượng lệch chuẩn.
Quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật có thể coi là bản cam kết của giới nghệ sĩ trước cuộc sống cũng như công chúng theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”.
Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ (theo Quyết định 3196 của Bộ VHTTDL) bao gồm những quy tắc ứng xử chung, ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, ứng xử đối với đồng nghiệp, ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội...
Đáng chú ý, trong mục quy tắc ứng xử đối với công chúng, khán giả nêu rõ: “Không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức”.
Còn với quy tắc ứng xử khi tham gia các hoạt động xã hội khác, cũng nêu rõ: “Công khai, minh bạch kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân”.
Trở lại vấn đề nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội làm từ thiện, không chỉ trong đợt hỗ trợ đồng bào vùng lũ trong bão số 3, mà còn rất lâu dài đối với một đất nước chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như Việt Nam. Chân thành sẻ chia sẽ luôn nhận được ủng hộ của cộng đồng, mà không cần thiết phải “làm màu”, “phông bạt” một cách vô nghĩa.
Phát biểu tại tọa đàm “Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ”, GS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, nghệ sĩ và giới trẻ là 2 đối tượng quan trọng trên không gian mạng. Nghệ sĩ là người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng. Mỗi phát ngôn, hình ảnh của họ có tác động lớn tới khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Nghệ sĩ có sứ mạng cao cả là đưa các tác phẩm nghệ thuật đến công chúng, đề cao chân, thiện, mỹ. Khó có ai kêu gọi ủng hộ đồng bào bão lũ được những khoản tiền lớn trong thời gian ngắn như một số nghệ sĩ từng làm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nên có các biện pháp xử lý những nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm trên không gian mạng, nhằm giảm tác động tiêu cực vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.