Cầu nối thị trường lao động và sinh viên
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường lao động, việc tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường không chỉ mang lại cơ hội việc làm cho sinh viên, mà còn giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hiệu quả từ sự chủ động của nhà trường
Nhằm hỗ trợ cũng như tạo sân chơi cho sinh viên, Trường Đại học Công nghệ Đông Á (EAUT) đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Festival tuyển dụng. Với sự tham gia của 50 đơn vị và doanh nghiệp (DN) trong phiên này, trong đó 35 DN đến từ lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm 70% đã đem đến nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp cũng như sinh viên đang học năm thứ nhất.
Có mặt tại Festival tuyển dụng, Nguyễn Hoàng Bảo Nhi, sinh viên lớp ngôn ngữ 15C, Trường Đại học Công nghệ Đông Á tỏ ra khá hào hứng bởi đây là trải nghiệm khá mới mẻ. “Đang là sinh viên năm thứ hai, với em việc học vẫn là số một nhưng em mong muốn được đi làm thêm để có thêm thu nhập, ngoài ra đi làm thêm sẽ cho em những trải nghiệm, kinh nghiệm quý để sau này đi làm mình sẽ chững chạc hơn và xử lý được tốt các tình huống trong công việc. Chính vì vậy, sau khi tìm hiểu và trả lời phỏng vấn một vài đơn vị, em quyết định thử sức với công việc bán thời gian làm marketing cho một DN” - Nhi chia sẻ.
Cũng giống như Nhi, Nguyễn Đức Bình, sinh viên năm nhất cũng có mặt tại phiên tuyển dụng để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp cho mình. Với mong muốn trải nghiệm sớm môi trường làm việc thực tế và tích lũy kinh nghiệm về công việc trong tương lai Bình đã sớm chọn được một công việc làm part time ( bán thời gian) cho DN với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Việc làm Hà Nội cho rằng, việc tổ chức phiên giao dịch việc làm cho sinh viên không chỉ tạo “sân chơi” cho sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà còn là cầu nối hữu hiệu giúp DN tìm được nguồn nhân lực trẻ sẵn sàng học hỏi, trau dồi kỹ năng.
“Sinh viên được thể hiện bản thân trước nhà tuyển dụng, trau dồi sự tự tin, khả năng giao tiếp và kỹ năng mềm, tìm được những “bến đỗ” nghề nghiệp. Sự chủ động của các cơ sở giáo dục trong tổ chức ngày hội tuyển dụng là bước đi phù hợp để thích ứng linh hoạt trong định hướng đào tạo, bắt kịp xu hướng thị trường lao động và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao” - ông Thành nói.
Bỏ đề xuất giới hạn sinh viên làm thêm giờ
Nhận thức được tầm quan trọng việc tạo sân chơi việc làm cho sinh viên những năm gần đây, các trường đại học và cao đẳng trên cả nước đã tổ chức nhiều sự kiện giao dịch việc làm nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với các nhà tuyển dụng lớn. TS Đinh Văn Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đông Á chia sẻ, mục tiêu của trường không chỉ là đào tạo lý thuyết mà còn giúp sinh viên ứng dụng kiến thức vào thực tế thông qua các hoạt động kết nối với DN. "Chúng tôi muốn sinh viên được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường" - ông Thành chia sẻ, đồng thời cho biết, việc kết nối này không chỉ dừng lại ở việc tuyển dụng mà còn thể hiện ở các chương trình đào tạo kỹ năng mềm như phỏng vấn và giao tiếp chuyên. Đây là những kỹ năng quan trọng mà nhiều sinh viên chưa được trang bị đầy đủ khi mới ra trường, khiến họ gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, chị Hoàng Thị Trúc, nhân viên truyền thông nội bộ tại Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghệ TDS cho biết, không chỉ công ty TDS mà rất nhiều công ty đều có nhu cầu tuyển dụng sinh viên làm part time và làm online bởi đây là nguồn nhân lực có sức khỏe, trẻ nên việc nắm bắt công việc rất nhạy bén và nhanh. Tuy nhiên, việc tuyển dụng không dễ dàng vì DN khó tiếp cận. Chính vì vậy, sự chủ động từ phía nhà trường rất có ý nghĩa.
Liên quan đến việc làm thêm của sinh viên, tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất đã bỏ quy định về giới hạn số giờ làm thêm của học sinh, sinh viên không quá 24 giờ mỗi tuần như đề xuất trước đó. Theo đó, người lao động là học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động theo quy định dự Luật này, được làm việc theo quy định của pháp luật về lao động. Tiền lương của người lao động là học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ. Người lao động là học sinh, sinh viên khi làm việc không trọn thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục.
Trước đó, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian, nhưng không quá 24 giờ mỗi tuần trong năm học, nới thêm 4 giờ so với dự thảo Luật được lấy ý kiến hồi tháng 3. Mức lương theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu hiện hành (vùng 1 là 23.800 đồng, vùng 2 là 21.200 đồng, vùng 3 là 18.600 đồng và vùng 4 là 16.600 đồng). Để đảm bảo việc làm thêm không ảnh hưởng đến quá trình học tập, học sinh, sinh viên phải thông báo cho cơ sở giáo dục đào tạo. Các cơ sở này có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ các em trong suốt quá trình làm thêm.