Kinh tế

Cần hoàn thiện chính sách chuyển đổi xanh

NAM ANH 28/09/2024 07:56

Việt Nam đã và đang tích cực hướng tới chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các chuyên gia cho rằng cần phải hoàn thiện khung pháp lý chính sách chuyển đổi xanh, cũng như thúc đẩy huy động nguồn vốn cho lĩnh vực này.

bai tren
Nhiều doanh nghiệp đang hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Ảnh: Nam Anh.

Hoàn thiện cơ chế chính sách

Chính phủ đã đưa ra chiến lược tăng trưởng xanh và nhiều chính sách để thực thi chiến lược này, như quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, phê duyệt danh mục các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính; đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu... Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia vào tiến trình chuyển đổi xanh, với nhiều doanh nghiệp đang thực hành ESG (môi trường, xã hội, quản trị), hướng tới thực hiện tăng trưởng xanh.

Và cũng tại hội thảo “Phát triển bền vững 2024” với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero” diễn ra mới đây, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR, trực thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, điểm khó chung mà doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh đang gặp là hệ thống chính sách pháp luật còn chồng chéo. Do đó khó tránh khỏi một số quy định hiện hành lại gây vướng khi triển khai chuyển đổi xanh, vốn chứa đựng nhiều khái niệm, công việc hoàn toàn mới. Theo ông Việt, ngành nào cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh chuyển đổi xanh, nhất là các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng tái tạo, sản xuất, dịch vụ, nhưng cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều gặp phải nhiều vướng mắc trong quy định chưa giải quyết được.

Hiện nay, Chính phủ đã đưa ra chiến lược tăng trưởng xanh và nhiều chính sách để thực thi chiến lược này. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng để tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh thì Chính phủ và doanh nghiệp cần có những hành động mới. Trong đó, Chính phủ và các cơ quan nhà nước, chuyên gia cần hoàn thiện khung chính sách về khử carbon; xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh; thiết kế và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh…

Ông Trương Anh Hải - Phó Tổng Giám đốc phụ trách An toàn, Sức khỏe, Môi trường và Cộng đồng của Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam chia sẻ, để giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, thì một doanh nghiệp thực hành chưa đủ mà cần có cả chuỗi cung ứng tham gia. Theo đó, muốn xây dựng cộng đồng chuyển đổi xanh thì sự vận động tự thân của một vài doanh nghiệp là chưa đủ, mà cần có thêm sự hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp từ cơ chế, chính sách, quy định pháp lý về chuyển đổi xanh trong nhiều lĩnh vực như môi trường, thuế, tín dụng… Tức là, việc này cần sự tham gia chặt chẽ và đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Thúc đẩy nguồn vốn xanh

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, từ nay đến năm 2040 Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi xanh. Trong 10 năm tới, Việt Nam cần huy động hàng trăm tỷ USD, trong đó khu vực tư nhân đóng vai trò dẫn đầu. Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VIII của Chính phủ, chỉ riêng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ cần khoảng 650 tỷ USD Mỹ đầu tư giai đoạn 2021-2050. Nguồn vốn xanh này được dùng để tăng công suất năng lượng tái tạo, đầu tư vào các công nghệ xanh mới như hydro, thu giữ carbon và pin lưu trữ điện, chuyển đổi xanh cho giao thông vận tải và xây dựng.

Theo ông Darryl J. Dong, đại diện cấp cao phụ trách văn phòng TPHCM của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ cần huy động hàng trăm tỷ USD, trong đó khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò dẫn đầu. Trong khi đó, khả năng tiếp cận vốn trong lĩnh vực tài chính khí hậu còn hạn chế. “Hiện nay, tín dụng xanh của các ngân hàng nội địa mới chỉ chiếm tỷ trọng 4,5%, trong khi lẽ ra ngân hàng phải là nơi cấp vốn chủ lực. Sự thật đáng buồn là mặc dù nhu cầu nguồn vốn là một bức tường khổng lồ, nhưng cánh cửa cho tài chính khí hậu ở Việt Nam chỉ mới hé mở một chút”- ông Darryl chia sẻ.

Ông cũng đưa ra khuyến nghị trong hoạch định chính sách, Việt Nam thực hiện kinh tế xanh từng bước, từ đơn giản đến phức tạp, đưa ra những quy định khung, cơ bản, dễ thực hiện rồi sau đó bổ sung, nhưng phải làm ngay, không chần chừ nữa. Theo đó, doanh nghiệp cũng vậy, phải xanh hóa ngay từ bây giờ, từng bước và tìm nguồn tài chính xanh cho sự chuyển đổi của mình. Nguồn tài trợ này sẽ rất quan trọng để mở rộng công suất năng lượng tái tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng, hỗ trợ đầu tư R&D (Research and Development - Nghiên cứu và phát triển) vào các công nghệ xanh mới như: Hydro, thu giữ carbon và pin hiệu quả hơn…

Về phía IFC, cuối tháng 6 vừa qua, tổ chức quốc tế này công bố gói tài chính 150 triệu USD cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank). Theo đó, gói tài trợ bao gồm khoản đầu tư vào trái phiếu xanh lam đầu tiên ở Việt Nam và trái phiếu xanh lá đầu tiên do một ngân hàng thương mại tư nhân trong nước phát hành.

Trong khi đó, ông Lim Dyi Chang - Giám đốc Khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, khẳng định: 6 lĩnh vực thải nhiều carbon, chiếm khoảng 60% danh mục cho vay doanh nghiệp mà UOB đã và đang tích cực hỗ trợ thông qua chương trình tài chính xanh. 6 lĩnh vực này là năng lượng, bất động sản, xây dựng, thép, điện và ô tô. Những khách hàng trong các lĩnh vực được hỗ trợ đã vượt mục tiêu giảm carbon khoảng 7 - 14%.

Bên cạnh đó, đại diện UOB thông tin ngân hàng này đến nay đã cấp khoảng 40 tỷ USD cho các khoản vay xanh. Tại Việt Nam, UOB đã hỗ trợ 17 dự án năng lượng tái tạo cho đến nay. Gần đây, UOB cũng đã cấp một số khoản tài trợ thương mại xanh trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững tại nhà sản xuất sản phẩm dừa bền vững Betrimex.

NAM ANH