Gian nan 'chữa lành' sau siêu bão
Gần 20 ngày sau cơn bão số 3, nhịp sống bình thường đã quay trở lại với các tỉnh, thành nằm trong tâm điểm tàn phá của cơn bão dữ. Nhưng đối với các thiết chế văn hóa, thể thao, những “vết thương” vẫn chưa thể chữa lành.
Thành phố di sản sau bão
Khi tác nghiệp tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) sáng 8/9, tức là nửa ngày sau khi cơn bão số 3 đi qua, chúng tôi mới thấy hết được sức tàn phá ghê gớm của cơn bão Yagi. Khu vực Quảng trường 20/10, nơi có hàng loạt các công trình văn hóa mang tính biểu tượng của TP Hạ Long như Cung Quy hoạch hội chợ và triển lãm, Bảo tàng Quảng Ninh, Thư viện tỉnh đều trong tình trạng hư hỏng nặng nề.
Bảo tàng Quảng Ninh - một vẻ đẹp mang tính biểu tượng, một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách giờ bị tàn phá nặng nề. Kính cường lực, kính lan can bị vỡ hỏng gần 1.200m2; vách và trần thạch cao hỏng 714m2; 5 bộ cửa kính thủy lực bị hỏng; 344m lan can, cột cờ inox bị bão đánh hỏng; 1.000m2 mái tôn chống nóng cũng bị thiệt hại. Ngoài ra, biển chữ, biển tên công trình cùng nhiều vật dụng như loa, ghế, bậc đá, thang máy... cũng bị cơn bão phá hủy. Do các tấm kính phía trên nóc Bảo tàng bị phá hủy nên mưa bão đã làm nước chảy xuống dưới, nhân viên Bảo tàng đã dùng bạt che các mẫu vật trưng bày, đồng thời hứng nước vào bể bạt...
Bên cạnh đó, công trình Cung Quy hoạch hội chợ và triển lãm, là thiết chế lớn tại Quảng Ninh, cũng bị hư hại nặng nề. Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh cho biết, hệ thống trần, mái, vách kính, cửa, hệ thống đèn điện chiếu sáng… trong công trình bị hư hỏng khá nhiều. Thiệt hại ước tính ban đầu của 2 công trình Bảo tàng tỉnh và Cung Quy hoạch hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh là trên 70 tỷ đồng.
Ông Đỗ Quyết Tiến - Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh chia sẻ, sức tàn phá của cơn bão số 3 rất lớn, phá hủy nhiều công trình văn hóa, gây thiệt hại lớn cho ngành văn hóa. Từ sau bão đến nay, cán bộ nhân viên của Bảo tàng đang tranh thủ từng giờ, từng ngày để khắc phục hậu quả, dọn dẹp đống đổ nát, nhanh chóng đưa Bảo tàng hoạt động trở lại phục vụ người dân.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, việc khắc phục cũng như trả lại nguyên vẹn cho công trình cần nhiều thời gian, kinh phí, nhất là thiệt hại của Cung Quy hoạch hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh. “Bảo tàng Quảng Ninh đang nỗ lực triển khai khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3, chỉnh lý không gian trưng bày, bảo đảm an toàn kỹ thuật... để mở cửa đón khách tham quan vào ngày 30/9/2024” - ông Tiến nói.
Kiến thiết lại các cơ sở văn hóa thành phố Cảng
Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng, cơn bão số 3 đã khiến hàng loạt công trình văn hóa lớn như Bảo tàng Hải Phòng, Di tích quốc gia Đền Nghè, Di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ; Trung tâm huấn luyện Thể dục - Thể thao; Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật thành phố… bị thiệt hại nặng nề.
Trong đó, Bảo tàng Hải Phòng (quận Hồng Bàng), vốn là một điểm đến thu hút đông đảo du khách, bị hỏng mái nhà trưng bày, sạt ngói trên mái tòa nhà, gây hỏng hệ thống chống thấm và hệ thống trưng bày. Kho hiện vật bị ngấm nước. Nhiều khu vực trần phòng có tuổi đời 30 năm bị rơi, làm hư hỏng hệ thống trưng bày hiện vật.
Còn di tích bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên) bị gió bão gây hư hại nặng. Khu nhà bạt của khu vực bảo quản cọc nguyên gốc bị rách, cong hệ thống khung. Một phần tường bao quanh di tích bị gãy đổ. Toàn bộ mái nhà trạm biến áp, trạm bơm tuần hoàn lọc kín nước bảo quản gỗ nguyên gốc, khu nhà xe bị gió thổi bay mất mái.
Nhà hát lớn TP Hải Phòng - một di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vốn là niềm tự hào của người dân TP Cảng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Phía sân khấu Nhà hát bị tốc mái hoàn toàn; hệ thống đèn treo trên sào thuộc khu vực sân khấu bị ngấm nước; màn hình LED chính bị ướt…
Theo thống kê từ các quận, huyện của TP Hải Phòng, sức tàn phá của cơn bão Yagi đã khiến 552 công trình văn hóa bị ảnh hưởng, trong đó, 91 công trình bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%); 14 công trình bị thiệt hại rất nặng (từ 50 - 70%); 55 công trình thiệt hại nặng (từ 30 - 50%). Ngoài ra, có tới 514 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn bị thiệt hại; trong đó, 16 di tích bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%); 113 di tích bị thiệt hại nặng và rất nặng (30 - 70%). Ước tính, bão số 3 gây ra thiệt hại cho ngành văn hóa Hải Phòng khoảng trên 246 tỷ đồng.
Từ ngày 9/9, Bảo tàng Hải Phòng, Khu di tích bãi cọc Cao Quỳ đã thông báo phải đóng cửa tạm thời, không nhận khách tham quan để khắc phục hậu quả cho đến khi có thông báo mới.
Bà Bùi Thị Nguyệt Nga - Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, cho biết: “Đơn vị đã linh hoạt trong việc huy động nguồn kinh phí để khắc phục tạm thời các hạng mục bị ảnh hưởng sau bão. Toàn bộ cây xanh bị đổ, nghiêng, bật gốc tại các di tích đã được cắt, trồng lại. Phần mái ngói bị xô hỏng được khắc phục tạm thời để bảo vệ các hiện vật. Đối với các hạng mục hư hỏng nặng, đơn vị cũng đang xin ý kiến cơ quan quản lý cấp trên để xây dựng kế hoạch tu bổ đúng quy trình. Riêng Bảo tàng Hải Phòng, các cán bộ và nhân viên đang tìm mọi giải pháp để có thể mở cửa trở lại khu vực trưng bày trong tháng 10/2024”.
Có thể nói những thiết chế văn hóa, di tích bị ảnh ảnh hưởng, hệ lụy từ cơn bão số 3 là rất lớn, đặt ra vấn đề cần cấp bách đầu tư sửa chữa, đảm bảo khả năng hoạt động trở lại, phục vụ nhu cầu của người dân. Và ngành văn hóa các địa phương đang chạy đua với thời gian để sớm hoàn thành các nhiệm vụ này.
Hiện Quảng Ninh đang tập trung xây dựng Đề án khôi phục tái thiết lại tỉnh Quảng Ninh sau bão. UBND tỉnh đã quyết định thành lập tổ công tác để xây dựng Đề án, với quyết tâm cao nhất xây dựng tỉnh Quảng Ninh sau bão sẽ mang bộ mặt mới, phát triển hơn, đặc biệt là khắc phục được những điểm yếu, phát huy được thế mạnh của tỉnh, trong đó có những giá trị nổi trội về du lịch, văn hóa và lịch sử.