Du lịch

Khoảng lặng Hồ Thác Bà

Ghi chép của TÙNG DUY 29/09/2024 07:57

Chốn thượng du Tây Bắc, nhà máy thủy điện Thác Bà, “đứa con đầu lòng của ngành Thủy điện Việt Nam”, đã trải qua một thời khắc cân não sinh tử bởi nguy cơ vỡ đập khi lũ dữ tràn về từ hậu bão Yagi.

Thuy dien Thac Ba
Toàn cảnh thủy điện hồ Thác.

Thời khắc sinh tử

Suốt ba đêm không ngủ. Những cán bộ và kỹ sư của Công ty Cổ phần thủy điện Thác Bà trải qua thời khắc cực điểm căng thẳng. Mực nước dâng lên từng giờ, hồ Thác tiếp tục đón lũ từ phía thượng du, mưa đổ không dứt, cao trình thiết kế đập chính khổng lồ (cao 62m, dài 700m) hóa mỏng manh trước một đại hồng thủy rình rập. Buổi chiều cập mức 57,15m, tối là 58m, nửa đêm lên 58,39m, sáng ra 59,84m… Những con số cập nhật từng giờ. Dự báo nếu hơn nửa ngày nữa với lượng nước dồn về hồ Thác chạm 61m - vượt mọi chịu tải công trình, thì… Để cứu đập chính, một dự lệnh nổ mìn phá đập số 4, con đập phụ cách đó không xa, sẽ trở thành động lệnh kinh hoàng.

Kỹ sư Đinh Văn Huân, cán bộ Phòng vận hành Nhà máy thủy điện Thác Bà, nhớ lại giờ phút thách thức tột độ, thậm chí hằn lên ám ảnh, khi dẫn phóng viên Đại Đoàn Kết đi thăm toàn bộ nhà máy. Đứng trên mặt đập nhìn xuống phía cửa xả, anh khoát cả hai tay mô tả: "Khi ba cửa đập này cùng xả tháo lũ, phát hiện ven tả đập xói ra từng mảng, chúng tôi lập tức huy động xe tải ào tới trút xuống cả một ngàn khối đá. Có những khối đá cực to mà xe tải chỉ chở được một hòn. Cứ trút xuống. Những khối đá biến mất trong tích tắc. Sức nước mạnh khủng khiếp".

Những kỹ sư Liên Xô khi thiết kế công trình vĩ đại này (bắt đầu khảo sát năm 1959-1961) đã tính toán hồ nhân tạo Thác Bà sẽ chịu đựng lưu lượng lũ tràn về tối đa có thể chạm 3.000m3/giây. Từng ghi nhận có lần đón lũ tới 4.000m3/giây, nhưng ngày 10/9 vừa qua, khi hàng loạt xã, phường của thành phố Yên Bái đang hứng chịu ngập sâu do sông Hồng tràn xiết, hậu siêu bão Yagi đã khiến hồ Thác đón tới 5.600m3/giây. Mức xả thủy điện chỉ đạt 3.200m3/giây! Ai nấy sống lưng lạnh toát khi công trình đã ngừng phát điện đang lâm cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng tất cả gắng bình tĩnh bám sát nhiệm vụ, ghi chép, báo cáo, kiểm tra, dõi sát. Khi ấy tất thảy 18 con đập bao quanh hồ Thác cùng báo động nguy cơ. Nước đột biến dồn về. Lúc 0h ngày 9/9 chỉ là 500m3/giây, sau đó tốc lên 2.000, rồi lên 3.000, lên tiếp 4000-4.500m3/giây. Kết cấu đập chính bị đe dọa nghẹt thở.

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Cường kể lại về tình huống khẩn cấp chuyển thành nguy cấp. Công điện khẩn từ Cục quản lý Đê điều chỉ đạo mở xả hết công suất. Tin nhắn đến từng người dân và cả hai xe gắn loa phóng thanh phóng khắp thị trấn Thác Bà kêu gọi bà con sơ tán trong đêm. Sáng ra khi lũ cao ngặt mức, bà con hàng loạt các xã Vĩnh Kiên, Hán Đà, Đại Minh, và nhiều xã vùng đệm Yên Sơn (Tuyên Quang) và Đoan Hùng (Phú Thọ) đã phải sơ tán. "Chuẩn bị cho tình huống xấu nhất", câu nói cứ vẳng lên trong đầu từng người trong nhà máy. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quang Quyền và Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Quyền gần như không rời thủy điện những giờ phút sinh tử. Chủ tịch tỉnh Yên Bái, ông Trần Huy Tuấn, và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng bám chặt hiện trường. Chỉ trong ba ngày đã có hai Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và Lê Thành Long đến thị sát, kiểm tra và chỉ đạo ứng phó.

Những tin đồn thất thiệt vỡ đập dường như đã loang ra. Thậm chí có tờ báo còn ví sức nước tràn về hạ du sẽ tàn phá như bom nguyên tử nếu đập thủy điện Thác Bà lâm sự cố. Công điện phối hợp với các thủy điện nhỏ tuyến sông Chảy ban ra liên tục. Sức chứa nước của tất cả đều vượt ngưỡng. Viễn thông toàn vùng đứt mạng. Nghẹt thở... Thuốc nổ đã gài kỹ thuật ở đập số 4, quân đội đã túc trực với dự lệnh hạ giải mực nước hồ Thác.

img_3400.jpg
Tua bin do Liên Xô lắp đặt đã 50 năm tuổi hiện vẫn đang hoạt động.

Khúc sử anh hùng

Tất cả vì dòng điện Tổ quốc, hàng ngàn người dân đã di dời những năm 1960 thế kỷ trước có một hồ Thác nhân tạo. Núi đồi chập trùng đã biến thành 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ, và một nhà máy phát điện kỳ vĩ bậc nhất miền Bắc ra đời. Khởi công xây dựng tháng 8/1964 để rồi Tổ máy số 1 chính thức phát điện tháng 10/1971. Khi đó Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị và một Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (cũ) cùng có mặt cắt băng khánh thành, nhà máy cung cấp nguồn năng lượng vô giá cho Hà Nội và nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Lúa gạo, phân bón, xi măng, sắt thép tăng lên sản lượng từ đây và tạo nên sức mạnh cho toàn quân, toàn dân chống Mỹ giải phóng miền Nam.

Viên ngọc quý thủy điện Thác Bà bởi thế mà chịu đựng bom đạn Mỹ. Những máy bay cất cánh từ biển Đông và cả từ Thái Lan vượt qua bầu trời Hà Nội tấn công, đánh phá thủy điện. Tàn nhẫn hai đợt bom dội xuống tháng 7/1966, những chàng trai cô gái Việt sát cánh bên các kỹ sư Liên Xô (cũ) lao vào sửa chữa ngày đêm sau mỗi đợt bom. Vết đạn xuyên thủng giá tua bin thép giờ còn đó. Đặc biệt trận hủy diệt tháng 6/1972 với 2.000 quả bom ập tới. Bộ đội, kỹ sư, công nhân ngã xuống, vẫn dũng cảm lao vào sửa chữa khôi phục máy móc chỉ sau 48 giờ. Công trình từ bàn tay và khối óc, cả máu, đã đứng lên sừng sững cho một sứ mệnh điện năng kỳ tích.

"Hằng ngày đi kiểm tra đập, chúng tôi đều thắp nén nhang tưởng nhớ", kỹ sư Huân dẫn tôi đi về phía góc đồi trên đập, nơi Tượng đài tưởng niệm màu trắng ghi tên 117 liệt sĩ hướng ra toàn cảnh nhà máy. Những dòng tên khắc ghi quê Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh...

Hàng loạt công trình thủy điện lớn khắp ba miền ra đời về sau, sản lượng hòa lưới Quốc gia của thủy điện hồ Thác chỉ còn khá khiêm tốn, khoảng 400 triệu kwh/năm, thậm chí nhiều khi hồ xuống mực nước chết không thể phát điện. Vận hành đã được số hóa hiện đại chỉ với 3-5 người điều khiển mỗi ca, và trục roto, linh kiện tua bin đang được thay mới nhằm tăng sản lượng điện. Đơn vị từng đón nhận hai lần danh hiệu Anh hùng, nhiều Huân chương với những trang sử đỏ cống hiến, nay lãnh nhiệm vụ tối quan trọng: Điều tiết thủy lợi cho hạ du, tích nước duy trì dòng chảy tối thiểu mùa khô, và đặc biệt là cắt lũ mùa mưa.

Khoảng lặng ẩn chứa

Hơn 20 năm gắn bó với công trình mệnh danh là “đứa con đầu lòng của ngành Thủy điện Việt Nam”, cả tự hào lẫn kỷ niệm, kỹ sư Huân đã khóc khi cầm đèn pin rọi xuống mặt hồ đêm 10/9. Hơn 100 cán bộ và công nhân của nhà máy cũng đã khóc. Nhiều người không dám nhìn nhau, mắt lặng ngấn vì tình cảm đặc biệt nặng sâu bởi thủy điện hồ Thác là tâm hồn, là khúc ruột của mình, và vì một vùng rộng lớn phía hạ du sẽ phải ngập trong lũ dữ...

Quan trắc thông số lúc 1h sáng 11/9 mực nước bất ngờ giảm xuống 3.600m3/giây, và đến gần trưa xuống cao trình 59.83, dưới báo động 2, rồi xuống còn tương đương mức xả thủy điện. Bốn cán bộ, kỹ sư ngồi trên chiếc ô tô túc trực góc đập lặng đi. Rồi ứa nước mắt. "Chúng tôi cùng bước tới bám chặt tay vịn lan can bờ đập. Không ai nói câu gì", kỹ sư Huân kể lại giây phút xúc động quá đỗi.

"10.000 năm lũ xảy ra 1 lần nghĩa là thế nào?", tôi hỏi kỹ sư Đinh Văn Huân. "Đó là sức chịu đựng của công trình cấp 1, tức là lũ 10.000 năm xảy ra 1 lần theo quy phạm của Liên Xô thời ấy. Và nếu phá kỹ thuật đập số 4 thì chỉ hạ giải mức nước thôi, không đến 3 tỷ m3 nước tràn ra đâu. Tôi tin rằng đây là công trình siêu bền và không thể... vỡ được", kỹ sư Huân cười rất tươi.

Rồi anh chỉ ra mặt hồ mênh mông lặng yên, nói "hồ Thác đẹp như mơ những đêm trăng", phía xa có động Thủy Tiên, động Xuân Long, động Mông Sơn, Thác Bà, Thác Ông... Anh kỹ sư yêu sử còn nói về cơ sở hoạt động của Trung ương ta thời đánh Pháp ở phía thượng hồ, và đặc biệt là trận đánh của vị tướng Trần Nhật Duật năm 1285 chiến thắng quân Nguyên Mông ở chính vùng đất đã nằm sâu dưới lòng hồ...

Có khoảng lặng hồ Thác ẩn chứa mà chói lọi quanh đây.

Tiềm năng du lịch
Nhiều năm qua đã sinh động những homestay, nhà sàn văn hóa Tày, tàu du lịch, và những điểm trải nghiệm sinh thái ở Vũ Linh, ở thị trấn Yên Bình… Khách du lịch tìm đến trải nghiệm, khám phá danh thắng rộng 19.000 ha như "vịnh Hạ Long ở Tây Bắc" ngày càng nhiều. Một vùng rộng lớn hồ Thác đã được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia (số 396/QĐ-Ttg ngày 10/5/2024) như một "động lực phát triển du lịch của cả nước". Kinh tế đồi rừng và nuôi đặc sản cá lồng hồ Thác (ước tính 2.000 lồng cá, sản lượng 8.000 tấn/năm) đưa sản phẩm tới nhiều tỉnh thành toàn quốc. Một tiềm năng thoát nghèo và làm giàu cho bà con vùng ven đã hiển hiện ngày càng rõ nét. Và thủy điện Thác Bà nổi bật vẻ đẹp phía cuối lòng hồ cũng đón cả ngàn lượt khách tham quan, nhất là các em học sinh đến tìm hiểu lịch sử nhà máy.

Ghi chép của TÙNG DUY