Mặt trận TP Hồ Chí Minh: Dấu ấn một nhiệm kỳ cùng nhân dân chống dịch
Nhiệm kỳ 2019-2024 của hệ thống Mặt trận Tổ quốc TPHCM chứng kiến không ít thử thách, trong đó hai năm liền với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 lịch sử, đã gây rất nhiều mất mát, đau thương. Trước khó khăn, gian nan, thử thách đó, nhiều cán bộ Mặt trận các cấp đã không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, kề vai sát cánh cùng với dân, giúp dân vượt qua được thời khắc khó khăn chưa từng có.
Những người thầm lặng
Quận 4 là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, những ngày tháng cao điểm của đại dịch, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Phường 3 thường xuyên cùng tổ công tác len lỏi vào các con hẻm nhỏ ở đường Tôn Thất Thuyết để trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bà Trang chia sẻ, từ khi dịch bùng phát, bà đặt hết tâm huyết của mình cho công tác chống dịch, chăm lo cho người dân.
Vừa là Chủ tịch Mặt trận vừa là Giám đốc Trung tâm An sinh xã hội Phường 3, bên cạnh việc tiếp nhận và quản lý các nguồn tài trợ hàng hóa như lương thực, thực phẩm, bà Nguyễn Thị Thu Trang còn tích cực vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài quận đóng góp nhu yếu phẩm các loại. Chỉ trong vài tháng, đã vận động gần 8 nghìn phần quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuê trọ, gia đình có người nhiễm Covid-19; 300 suất cơm mỗi ngày cho người già neo đơn, người lao động khó khăn.
Hằng ngày, bà Trang còn bận rộn trả lời ý kiến, phổ biến các chính sách hỗ trợ cho người lao động ảnh hưởng do dịch; tiếp nhận thông tin nhờ hỗ trợ... Nhớ lại lần tiếp nhận cuộc điện thoại của anh Vikas Verma, người Ấn Độ, nhờ tổ công tác giúp đi chợ, bà Trang kể: “Lúc nhận được điện thoại và biết được gia đình anh đang thiếu thực phẩm. Trong khi chờ lực lượng đi chợ giúp thì Trung tâm An sinh xã hội phường đã đến tặng cho gia đình anh một phần nhu yếu phẩm, rau củ”.
Trong số cán bộ Mặt trận cơ sở xông pha trong cơn đại dịch Covid-19, bà Giang Hải Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Phường 9, Quận 4 cũng là một nhân vật nổi bật. Bà Yến đã tích cực triển khai nhiều cách thức nhằm chăm lo tốt nhất cho người dân trên địa bàn. Khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, bà đã chủ động gửi thư ngỏ, điện thoại trực tiếp đến các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để vận động. Nhờ vậy mà đã có hơn 10 doanh nghiệp trong và ngoài quận tích cực hỗ trợ cho Phường 9 với vật tư y tế, nhu yếu phẩm, các suất cơm và tiền mặt. Nhận được sự tin tưởng, hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, bà Yến thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh tận tay trao quà cho người dân, gửi các văn bản thu chi minh bạch đến từng doanh nghiệp. Từ đó, các mạnh thường quân càng tin tưởng và hỗ trợ phường trong công tác an sinh xã hội.
Tương tự như Quận 4, Quận 6 cũng là tâm điểm của đại dịch Covid-19, ở đây đã xuất hiện một cán bộ luôn gương mẫu luôn chăm lo cho dân đó là bà Trương Tuyết Lan, Phó Chủ tịch UBND Phường 5. Bà Lan chia sẻ, chứng kiến quá nhiều mất mát của nhân dân, bà luôn trăn trở mình phải làm điều gì đó để giúp dân vượt qua nghịch cảnh. Thời gian này, bà Lan ngày đêm trực tiếp xuống tận các hộ gia đình tuyên truyền về cách phòng, chống dịch. Có thời điểm suốt mấy tuần liền, tất cả đều bị phong tỏa, người dân không có thức ăn, bà Lan vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ lương, thực phẩm, rau củ quả và các nhu yếu phẩm khác được đưa đến hàng ngày phục vụ bà con thời gian bị cách ly.
Bên cạnh hỗ trợ thức ăn cho dân, bà Lan tâm sự: Lo nhất là tính mạng của những người đã nhiễm Covid-19 ngày một tăng cao, các bệnh viện đều đã quá tải, dân rất hoang mang và thiếu thốn, không ngồi thể ngồi chờ đợi phép màu, bà đã trực tiếp vận động các nhà hảo tâm nhiều máy thở nhằm hỗ trợ công tác chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân.
Ngoài ra, bà Lan đã phối hợp với Mặt trận phường và các đoàn thể địa phương tổ chức “Phiên chợ nhân ái – Siêu thị nghĩa tình”; phối hợp thực hiện mô hình “Đi chợ giúp dân”, mỗi ngày bà và các tình nguyện viên nhận hàng trăm phiếu mua hàng về phục vụ tận nhà cho người dân. Riêng các cụ già, trẻ em neo đơn bà phục vụ các phần ăn trực tiếp. Nhờ vậy mà mà rất nhiều gia đình đã vượt qua khó khăn. “Lúc đó, ai cũng sợ vì dịch Covid-19 quá khủng khiếp, bản thân mình có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào nhưng vì chứng kiến người dân chịu quá nhiều mất mát nên lúc đó tôi chỉ biết hành động để hỗ trợ, với mong muốn mọi người sẽ vượt qua”, bà Lan nhớ lại.
Biểu tượng của tinh thần tương thân, tương ái
Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng gần 23,5 nghìn người dân Việt Nam, trong đó riêng TPHCM có trên 17 nghìn người dân và cán bộ, chiến sĩ đã ra đi mãi mãi. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, tại TPHCM có những ngày ghi nhận hơn một nghìn người tử vong. Trên các đường phố, ngõ hẻm nhiều ngày vắng bóng người dân, chỉ có xe làm nhiệm vụ cứu hộ, xe cấp cứu chạy trên đường còn tất cả người dân đều phải thực hiện cách ly tại nhà.
Cũng chính vì thế mà nhiệm vụ hỗ trợ dân trong thời gian này trở nên cấp thiết. Để triển khai nhiệm vụ nặng nề đó, hệ thống Mặt trận tại TPHCM đã phối hợp với chính quyền, các đơn vị, tổ chức thực hiện rất nhiều hoạt động hỗ trợ người dân. Thống kê của Mặt trận TPHCM, giai đoạn đại dịch bùng phát cho đến khi kết thúc, thành phố đã xuất hiện trên 1 nghìn mô hình, cách làm hay trong công tác vận động chăm lo người dân khó khăn do dịch Covid-19, tiêu biểu như: Mô hình “Cửa hàng an sinh”, mô hình “Tổng đài SOS”, “ATM gạo”, “Tình nguyện viên chung tay phòng, chống dịch Covid-19”, “Đi chợ giúp dân”, “Bếp yêu thương”; “Gian hàng 0 đồng”; “ATM oxy”, “Tổ phản ứng nhanh phun khử khuẩn SARS-COV-2”, “Đội tình nguyện vận chuyển F0, F1”, “Tôn giáo với oxy tình thương, “Xe trợ táng tình nguyện”, “Nghệ sỹ Việt đồng hành phòng, chống dịch Covid-19”,...
Tổng đài đường dây nóng tiếp nhận phán ánh, nắm bắt tình hình nhân dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đã tiếp nhận hơn 23 nghìn phản ánh, hỗ trợ giải quyết gần 22 nghìn trường hợp, trong đó có hơn 1 nghìn thông tin không chính xác. Bên cạnh các lực lượng chính nơi tuyến đầu, Mặt trận TPHCM còn phối hợp vận động và tổ chức 10 đợt ra quân với gần 1 nghìn tu sĩ, tín đồ tôn giáo tham gia.
Báo cáo gần đây của Ủy ban MTTQ TPHCM đánh giá: Những hành động đẹp, sự hy sinh, chia sẻ của người dân thành phố qua công tác phòng, chống dịch Covid-19 không những giúp thành phố có thêm nguồn lực chống dịch mà còn là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội. “Điều này góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, Chính quyền thành phố, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân thành phố nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch Covid-19”, báo cáo nêu rõ.
Bà Trần Kim Yến, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM cho biết, nhiệm kỳ 2019 - 2024, công tác Mặt trận gặp rất nhiều thách thức. Đặc biệt là tác động bất lợi của dịch Covid-19, ở thời điểm dịch bùng phát mạnh, cả thành phố có những lúc bị phong tỏa để cùng chung tay phòng, chống dịch; nhiều cán bộ Mặt trận coi cơ quan là nhà, suốt nhiều tuần, nhiều tháng không về với gia đình để tập trung chống dịch. Các cán bộ Mặt trận tỏa đi khắp nơi để cứu trợ đồng bào, có không ít người bị nhiễm bệnh, tử vong...
Theo bà Trần Kim Yến, sau đại dịch, TPHCM nói riêng lại tiếp tục đối mặt với khó khăn, khiến hoạt động sản xuất phần nào bị gián đoạn, đời sống của nhân dân, nhất là người lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. “Mặt trận Thành phố đã có nhiều đề xuất với lãnh đạo, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phối hợp hỗ trợ người nghèo”, bà Yến nhấn mạnh.
Theo thống kê của Ủy ban MTTQ TPHCM, thành phố đã tiếp nhận hơn 5.908 tỷ 217 triệu đồng, trong đó tiền mặt hơn 1.237 tỷ 886 triệu đồng, trang thiết bị y tế hơn 3.190 tỷ 896 triệu đồng, hàng hóa hơn 339 tỷ 187 triệu đồng, kinh phí mua Vắc-xin: số tiền 318 tỷ 900 triệu đồng và hơn 2.737.828 túi an sinh với số tiền 821 tỷ 348 triệu đồng. Và đã kịp thời chăm lo 5.836 tỷ 212 triệu đồng, trong đó tiền mặt hơn 1.165 tỷ 881 triệu đồng, trang thiết bị y tế hơn 3.190 tỷ 896 triệu đồng, hàng hóa hơn 339 tỷ 187 triệu đồng, kinh phí mua Vắc-xin: số tiền 318 tỷ 900 triệu đồng và hơn 2.737.828 túi an sinh với số tiền 821 tỷ 348 triệu đồng; vận động 02 doanh nghiệp mua vaccine tặng Thành phố trị giá hơn 2.000 tỷ đồng.