Liên lạc trong bão
Cơn bão Yagi đã qua, nhưng những cảm xúc và hậu quả mà nó để lại vẫn còn sâu sắc trong tâm trí của mỗi người, mỗi gia đình. Một trong những vấn đề cấp bách mà bão gây ra là mất liên lạc trong quá trình xảy ra thiên tai.
Theo thống kê từ Cục Viễn thông, bão Yagi đã làm đứt 7 tuyến cáp quang liên tỉnh, 27 cột phát sóng bị gãy đổ và hơn 6.285 trạm phát sóng mất điện. Điều này khiến việc kết nối thông tin, đặc biệt là những liên lạc khẩn cấp trong thời gian bão đổ bộ, gặp nhiều khó khăn.
Đến sáng ngày 8/9 (sau 2 ngày cơn bão đến), tại một số khu vực của Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương, nhiều người dân vẫn không thể bắt được sóng di động. Tình trạng mất sóng di động trong những thời điểm này tạo ra khủng hoảng tâm lý không nhỏ, nhất là khi kết nối Internet đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Việc không thể liên lạc qua các ứng dụng như Facebook, Zalo, Messenger hay gọi điện video đã khiến khoảng cách giữa con người trở nên xa xôi hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh nước dâng lên từng giờ và mưa lũ tiếp tục đe dọa, việc truyền tải thông tin cảnh báo trở nên vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, mất điện và hệ thống viễn thông bị tổn hại trên diện rộng đã khiến những cảnh báo này khó được tiếp cận đến người dân. Nhiều gia đình tại thành phố Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang đã không kịp “chạy lũ”.
Giữa bão giông, những giờ phút không thể kết nối với người thân – là khoảng thời gian dài đằng đẵng. Nhiều gia đình phải sử dụng đến các biện pháp liên lạc "bắc cầu" bằng cách gọi điện cho những người họ hàng còn có tín hiệu, hoặc cố gắng tìm mua sim của các nhà mạng khác nhau với hy vọng kết nối được. Nhiều vùng rơi vào tình trạng “trắng thông tin” trong nhiều giờ, nhiều ngày... Tình trạng mất liên lạc không chỉ ảnh hưởng đến việc trao đổi thông tin giữa các gia đình mà còn làm gián đoạn công tác cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn.
Các quốc gia trên thế giới đã xây dựng các hệ thống truyền thông khẩn cấp nhằm duy trì kết nối ngay cả khi hạ tầng thông tin hiện đại bị hư hại. Nhật Bản là một trong những quốc gia tiên phong trong việc ứng phó với thiên tai, đặc biệt là trong việc duy trì kết nối thông tin. Quốc gia này đã phát triển hệ thống cảnh báo đa tầng, sử dụng điện thoại vệ tinh, sóng radio và các ứng dụng cảnh báo động đất. Các hệ thống này được thiết kế để hoạt động ngay cả khi hạ tầng mạng bị tổn hại. Trong trận bão Jebi năm 2018, khi nhiều khu vực mất điện và sóng di động, người dân Nhật Bản vẫn có thể nhận cảnh báo qua các hệ thống phát thanh truyền hình công cộng và loa phát thanh được lắp đặt ở cả thành thị và nông thôn.
Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Trường hợp Khẩn cấp Liên bang (FEMA) sử dụng hệ thống cảnh báo khẩn cấp tích hợp (IPAWS), kết nối các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, radio và điện thoại di động để truyền tải thông tin khẩn cấp. Hệ thống này giúp các nhà chức trách phát cảnh báo đến người dân thông qua nhiều kênh khác nhau, ngay cả khi hạ tầng mạng viễn thông bị gián đoạn. 4/10/2023, cơ quan này đã tổ chức cuộc thử nghiệm toàn quốc về Hệ thống cảnh báo khẩn cấp (EAS) và Báo động khẩn cấp không dây (WEA), với các tin nhắn thử nghiệm được gửi tới tất cả iPhone, tivi và radio. Một ví dụ điển hình là sau cơn bão Katrina (2005), khi các hệ thống liên lạc thông thường bị phá hủy, điện thoại vệ tinh và các đài phát thanh sử dụng tần số cao (HF) đã trở thành công cụ quan trọng để duy trì liên lạc giữa các đội cứu hộ và người dân.
Ở Úc, trong mùa cháy rừng và bão lốc, mạng lưới cảnh báo sớm của quốc gia này sử dụng tin nhắn SMS, phát thanh và các ứng dụng khẩn cấp để gửi cảnh báo tới người dân. Đặc biệt ở các khu vực hẻo lánh, các đài radio sử dụng tần số VHF và UHF giúp đảm bảo liên lạc ngay cả khi sóng di động và điện lưới bị cắt đứt. Sau cơn bão Debbie vào năm 2017, các đài radio VHF đã đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững thông tin liên lạc tại các khu vực nông thôn của Queensland, nơi không có sóng điện thoại.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc cho thấy rằng, để đảm bảo thông tin trong các tình huống khẩn cấp, cần phải xây dựng hệ thống liên lạc đa tầng, bao gồm cả các công trình nghệ truyền thống như radio tần số cao, điện thoại vệ tinh và loa phát thanh công cộng. Những hệ thống này không chỉ giúp duy trì liên lạc trong các tình huống khẩn cấp mà còn đảm bảo người dân nhận được thông tin cảnh báo kịp thời, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và của.
Tại Việt Nam, việc xây dựng một hệ thống liên lạc khẩn cấp cũng là một giải pháp cần thiết trong bối cảnh thiên tai ngày càng gia tăng. Các hệ thống truyền thanh tại địa phương có thể được tận dụng để phát cảnh báo trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, việc trang bị thêm các đài phát thanh sử dụng tần số VHF/UHF và hệ thống điện thoại vệ tinh cho các lực lượng cứu hộ sẽ giúp duy trì liên lạc ngay cả khi hạ tầng hiện đại bị ảnh hưởng.
Kết nối trong bão không chỉ đơn thuần là duy trì các cuộc trò chuyện cá nhân mà còn là phương tiện cứu mạng trong nhiều tình huống khẩn cấp. Việc đảm bảo rằng mọi người luôn có thể nhận được thông tin kịp thời sẽ giúp tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng trong những cơn bão sắp tới.