Kinh tế

Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội, ông Ozasa Haruhiko: Chúng tôi quan tâm đến thị trường tiêu dùng Việt Nam

ANH THƯ 29/09/2024 10:13

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng năm 2024, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư trên 84 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Ông OZASA Haruhiko Trưởng đại diện JETRO Hà Nội
Ông Ozasa Haruhiko, tân Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội.

Cụ thể, Nhật Bản đã có 174 dự án cấp mới, 101 dự án tăng vốn và 140 dự án góp vốn, mua cổ phần, với tổng số vốn đạt hơn 2,5 tỷ USD, giảm nhẹ 2,5% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ năm 1988 tới nay, Nhật Bản đã đầu tư tổng cộng 5.420 dự án cấp mới, với tổng số vốn đạt gần 79,3 tỷ USD, cao thứ 3, chỉ sau Hàn Quốc và Singapore. Con số này cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhật Bản và Việt Nam, cũng như sự tích cực trong hoạt động hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai bên.

Hiện nay, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản rất đa dạng, từ gia công xuất khẩu cho tới sản xuất hướng vào thị trường nội địa của Việt Nam tại nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Ngoài ra, trong năm 2023, một hình thức đầu tư khác cũng rất được các doanh nghiệp quan tâm, đó là hình thức M&A (mua bán, sát nhập), hay còn gọi là đầu tư dưới hình thức gọi là góp vốn vào các doanh nghiệp Việt nhằm hướng vào khai thác thị trường nội địa của Việt Nam. Hình thức này chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng các dự án đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2023.

Nhận định về tiềm năng đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông Ozasa Haruhiko, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, cho biết, là cơ quan xúc tiến thương mại có vai trò kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, JETRO nhận thấy rằng, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), đây là điều vô cùng quan trọng giúp cho thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam ngày càng phát triển.

Đã có nhiều ngành hàng, lĩnh vực đầu tư, giao thương giữa Việt Nam - Nhật Bản được hưởng lợi từ những hiệp định này. Đơn cử như trong lĩnh vực liên quan đến bà mẹ và trẻ sơ sinh, sữa bột dành cho trẻ sơ sinh có thuế suất 0% theo Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA). Hay việc áp thuế đối với các mặt hàng mỹ phẩm từ Nhật Bản, nếu theo biểu thuế thông thường, mức thuế trung bình lên tới 15 - 30%, tùy vào từng loại mặt hàng. Tuy nhiên, nhờ có VJEPA, thuế suất của các mặt hàng này chỉ còn từ 1 - 11%.

Ông Ozasa Haruhiko cũng chia sẻ thêm, hiện nay, các công ty Nhật Bản rất quan tâm đến sự tăng trưởng của thị trường tiêu dùng của Việt Nam nói chung chứ không chỉ giới hạn các sản phẩm thiết yếu hàng ngày. JETRO đang nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động, góp phần nâng cao khả năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước bằng cách hỗ trợ cho các công ty Nhật Bản thâm nhập, mở rộng kênh bán hàng tại Việt Nam. Trao đổi hợp tác kinh tế cấp Chính phủ giữa hai nước là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ các công ty Nhật Bản phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, hiện nay, việc cạnh tranh giữa các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia trong cùng khu vực để thu hút đầu tư nước ngoài đang khá quyết liệt. Vì vậy, nhằm nắm bắt cơ hội phát triển, phòng tránh rủi ro cho các doanh nghiệp đầu tư từ Nhật Bản, hướng tới “đôi bên cùng thắng” (win-win), ông Ozasa Haruhiko mong muốn chính phủ Việt Nam xây dựng hệ thống thủ tục hành chính và hành lang pháp lý rõ ràng, đồng thời có cơ chế thúc đẩy các hoạt động giao thương, phân phối hàng hóa, giúp các sản phẩm chất lượng nhanh chóng tới được tay người tiêu dùng. “Đó cũng là một trong những yếu tố thu hút và tạo dựng lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, ông Ozasa Haruhiko chia sẻ thêm.

ANH THƯ