Văn hóa

Mái đình xưa làng biển

Hải Đăng 30/09/2024 07:32

Trải qua hàng trăm năm với bao biến đổi, thăng trầm, những mái đình xưa ở làng biển Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn hiện hữu như một chứng tích sinh động cho bề dày văn hóa lịch sử.

anhbaiduoi.jpg
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam ở TP Vũng Tàu hàng năm đã trở thành nét đẹp văn hóa của cư dân miền biển. Ảnh: H.Đ.

Cuối tuần, chiếc xe khách du lịch chở hơn 30 khách đậu trước cổng đình thần Thắng Tam (TP Vũng Tàu). Khách du lịch háo hức bước vào đình làng, chụp ảnh kiến trúc, cảnh quan đình thần. Nhiều du khách thấy đàn bồ câu trước cổng đình lập tức tìm mồi và vẫy gọi đàn chim về ăn. Những hình ảnh này đã tạo nên một vẻ đẹp bình yên. Phía bên trong, các hương chức hướng dẫn khách tham quan chiêm bái.

Đình thần Thắng Tam nằm ở vị trí “án sơn tụ thủy”, xây dựng vào năm Canh Thìn (1820). Ban đầu đình chỉ được làm bằng tre lá, đến năm 1835, người dân trong vùng đã đóng góp tu sửa và lợp mái ngói cho đình. Đến năm 1965, đình được trùng tu, xây dựng kiên cố và giữ nguyên bố cục kiến trúc như ngày nay. Đình thần Thắng Tam thờ chung cả 3 người đã có công xây dựng nên 3 làng ở Vũng Tàu, đó là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền.

Đình có kiến trúc nối tiếp gồm 4 ngôi nhà nối liền nhau bằng một lối đi bên hông, đó là tiền hiền - hội trường - đình trung - sân khấu võ ca. Trong đình bài trí nhiều đồ lễ chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngôi tiền hiền được lợp bằng ngói âm dương, trên mái có “lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi. Đầu các đòn tay, xà gồ, cột đều chạm khắc hình rồng.

Ngoài các dịp lễ hội Nghinh Ông, lễ hội miếu bà Ngũ hành, đình thần Thắng Tam cũng là điểm đến được nhiều người yêu thích mỗi dịp đầu xuân năm mới. Anh Nguyễn Văn Hậu, du khách đến từ TPHCM cho biết, anh rất bất ngờ giữa thành phố nhộn nhịp này có một đình thần vẫn còn giữ kiến trúc của đình làng xưa và các giá trị văn hóa, lịch sử tại đây vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Theo Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đình làng là hình ảnh quê hương tiêu biểu cho nét độc đáo của kiến trúc và điêu khắc tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Dân làng thường tự hào, hãnh diện khi có một ngôi đình nguy nga, cổ kính, chạm trổ công phu, hoặc đình đã được chọn đúng vị trí đắc địa, vùng đất thiêng liêng, thế đất đẹp nhất làng mong muốn, nơi Thành Hoàng phù hộ cho con cháu luôn được hưởng phúc lành, dân làng học hành thành đạt, làm ăn thịnh vượng…

Kiến trúc đình làng ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giống với kiến trúc chung của đình làng Nam bộ. Ngôi đình thường được cất ở những gò đất cao ráo, địa thế đẹp, gần chợ búa, thuận tiện giao thông. Đình ở Bà Rịa - Vũng Tàu có cấu trúc theo kiểu nhà rường tứ trụ, mở rộng ra 4 phía bằng bộ vì kèo. Mái đình lợp ngói âm dương, trên nóc thường gắn những hình sành tráng men màu với các chủ thể: lưỡng long tranh châu, chim phượng ngậm cuốn thư, lân mẹ dạy lân con, cá hóa long… Bố cục của một ngôi đình ở địa phương gồm: ngôi tiền hiền, chánh điện, võ ca, miếu ngũ hành, miếu ông Hổ, miếu Thần Nông.

Tính đến năm 1938, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 36 đình làng, qua các cuộc chiến tranh, nhất là trong đợt tiêu thổ kháng chiến 1945, thời kỳ chống Pháp, Mỹ (1945 - 1975), nhiều ngôi đình đã bị tàn phá mà không được trùng tu, bảo quản nên đã xuống cấp. Đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ còn khoảng 20 ngôi đình còn được bảo tồn. Đình làng trở thành một nơi thiêng liêng để nhân dân tổ chức lễ hội truyền thống, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao của tổ tiên, các bậc tiền nhân, ông cha nhiều thế hệ, các anh liệt sĩ đã hy sinh.

Hải Đăng