Xã hội

Huế: Trùng tu, tôn tạo nhiều công trình có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật

Nguyễn Quốc 30/09/2024 16:11

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và sự giúp đỡ có hiệu quả của các chuyên gia cùng cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai và thực hiện đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào. Đã có hàng trăm công trình di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật.

z5137313983599_76191ce50f1dfa23e99c3f4426081b16.jpg
Điện Kiến Trung sau khi được trùng tu, tôn tạo đã thu hút rất đông du khách đến tham quan. Ảnh: Đ.H.

Nhiều công trình quan trọng được trùng tu

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có hàng trăm công trình di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật.

Đặc biệt, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ban, bộ, ngành Trung ương trong việc tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho Thừa Thiên - Huế phát triển đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế một cách toàn diện.

Công tác bảo tồn, tu bổ di tích là một công việc phức tạp có quan hệ đến nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ: từ lịch sử, mỹ thuật, văn học, Hán học đến khảo cổ, kiến trúc, kết cấu, vật liệu... các công nghệ truyền thống như vôi, vữa, sơn thếp, pháp lam,... các nghề thủ công như mộc, chạm khắc, nề ngõa. Vì vậy, công tác bảo tồn, tu bổ di tích đòi hỏi phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, tuân thủ nghiêm túc các Công ước và Hiến chương quốc tế mà Chính phủ ta đã thừa nhận và các quy định của pháp luật.

Từ những năm 1996 đến nay, Thừa Thiên - Huế đã tổ chức bảo quản, trùng tu, phục hồi hàng trăm công trình và hạng mục công trình, một số công trình tiêu biểu như: Ngọ Môn, Cung Trường Sanh, Lầu Tứ Phương Vô Sự, Điện Long An, lăng Thiệu Trị, Đàn Nam Giao, Dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh...

Đặc biệt, gần đây Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tiến hành trùng tu, tôn tạo điện Kiến Trung với tổng mức đầu tư hơn 123 tỉ đồng. Đây là 1 trong 5 công trình quan trọng nằm trên trục thần đạo của Tử Cấm Thành dưới triều đại nhà Nguyễn. Khi hoàn thành việc trùng tu, nơi đây thu hút rất đông du khách đến tham quan, cũng như đã diễn ra nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm và phục vụ nhiều hoạt động của Festival Huế 2024.

Một công trình quan trọng khác là Điện Thái Hòa - nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn từ vua Gia Long đến vua Bảo Đại, dưới thời đại phong kiến. Cung điện này được xem là trung tâm của đất nước.

Sự đầu tư tu bổ các công trình trong Đại nội Huế trong thời gian qua đã góp phần trong việc gìn giữ những giá trị của di sản. Đồng thời có thêm nhiều địa điểm hấp dẫn du khách khi tham quan cụm di tích này.

Nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải vượt qua

z5682229022517_157168e165318b6c2460c146bffbabfb.jpg
Đến nay, Trung tâm đã trùng tu, phục hồi hàng trăm công trình và hạng mục công trình quan trọng. Ảnh: N.Q.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, thời gian qua, mặc dù đã có sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và sự nỗ lực không ngừng của địa phương nhưng Di tích Huế có khối lượng công trình rất lớn, lại phân bổ trên địa bàn rất rộng với các loại hình rất đa dạng và đang trong tình trạng hư hỏng nhiều.

Vì vậy số di tích cần được trùng tu tôn tạo còn rất nhiều, cần nhiều thời gian để nghiên cứu thể thực hiện và hoàn thành trong các giai đoạn đầu tư trung hạn tiếp theo.

Do tính đặc thù của công tác trùng tu di tích cần nhiều thời gian cho giai đoạn khảo sát lập hồ sơ dự án, thám sát, khảo cổ học để xác định dữ liệu cho việc lập dự án. Việc thực hiện trùng tu tôn tạo gặp nhiều khó khăn, phức tạp và thường kéo dài hơn các công trình xây dựng cơ bản.

Đồng thời, lực lượng tư vấn lập dự án, thiết kế và thi công tu bổ di tích còn mỏng và thiếu chuyên gia có trình độ cao, chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao; các vật tư đặc chủng như gỗ tứ thiết, sơn ta, gạch, ngói men, vàng quỳ... càng ngày càng khan hiếm, thiếu hụt thợ lành nghề và nghệ nhân.

Nhiều tư liệu lịch sử liên quan và có nguồn gốc từ Huế nhưng đã bị thất thoát hoặc hiện không lưu trữ ở Huế gây khó khăn lớn cho công tác nghiên cứu, tham khảo và lập các dự án bảo tồn.

Với những việc làm trong thời gian qua, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế được UNESCO và nhiều chuyên gia đánh giá là đơn vị đi đầu và có nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích. Góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về giá trị di sản, thu hút du khách, và thúc đẩy phát triển bền vững cho Quần thể di tích Cố đô Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Đặc biệt, ngày 20/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế. Giao cho UBND tỉnh trực tiếp quản lý nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn và phát triển giá trị di sản Huế. Đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí không đủ.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này tạo ra cơ chế để huy động nguồn lực một cách bài bản, phục vụ công tác trùng tu, phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa Huế trong thời gian tới.

Riêng năm 2023, Quỹ nhận được khoản tài trợ cho chi phí xây dựng Công trình Bảo tồn tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu Từ Dũ. Sau một năm thi công xây dựng, tháng 6-2024, công trình đã được nghiệm thu hoàn thành.

Nguyễn Quốc