Châu Âu nỗ lực ngăn dòng người di cư
Việc mới đây Hải quân Senegal trục vớt được 30 thi thể từ một chiếc thuyền trôi dạt cách bờ biển thủ đô Dakar khoảng 70km, một lần nữa báo động về tình trạng vô cùng nguy hiểm đối với người nhập cư vào châu Âu bằng đường biển.
Trong đêm tối, đội tuần tra hải quân Senegal đã phát hiện một chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ đang trôi dạt đến cảng Dakar. 30 thi thể trên thuyền đều trong tình trạng phân hủy nặng. Những người xấu số được cho là nạn nhân của những băng nhóm buôn người hoạt động rất mạnh ở một số quốc gia châu Phi.
Bờ biển Senegal là một trong những điểm khởi hành chính của nhiều người di cư hy vọng đến được châu Âu, đồng thời là khu vực thường xuyên chứng kiến các thảm kịch di cư bằng thuyền. Nhiều người trong số này đã chấp nhận hành trình vượt Đại Tây Dương đầy nguy hiểm để hướng đến Quần đảo Canary của Tây Ban Nha.
Trước đó, ngày 24/9, truyền thông Hy Lạp đưa tin, lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đã giải cứu được 5 người di cư từ tay nhóm buôn người, tại vùng biển ngoài khơi thành phố Agios Isidoros. 3 thi thể của người vượt biển cũng đã được tìm thấy. Hy Lạp là một cửa ngõ được người di cư và người tị nạn từ Trung Đông, châu Phi và Nam Á tìm đến để từ đó đi vào Liên minh châu Âu (EU). Họ vượt biển chủ yếu bằng những chiếc xuồng cao su rất không an toàn.
Cùng thời điểm, các nhân viên di trú thuộc Bộ Nội vụ Anh đã bắt giữ 31 đối tượng buôn người định lợi dụng các biện pháp kiểm soát biên giới mềm mỏng hơn với Ireland để đưa người di cư bất hợp pháp vào nước này; thu giữ 400.000 bảng Anh (532.350 USD) tiền mặt và nhiều giấy tờ tùy thân giả. Ông Jonathan Evans, Thanh tra di trú của Bộ Nội vụ Anh nhấn mạnh cuộc truy quét vừa qua là một “thành công lớn” và gửi đi thông điệp rõ ràng rằng các băng nhóm buôn người sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.
Còn theo bà Angela Eagle - Quốc vụ khanh phụ trách An ninh biên giới và tị nạn, chính phủ sẽ đấu tranh chống buôn người trên mọi mặt trận và sẽ mở rộng chiến dịch trấn áp để xóa sổ các tuyến đường đưa người trái phép vào Anh. Kể từ đầu năm đến cuối tháng 9/2024, số người di cư đến Anh bằng cách vượt eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ đã lên tới 25.052 người. Thủ tướng Keir Starmer cũng cam kết "đập tan các băng nhóm" buôn người chuyên tổ chức các cuộc vượt biển nguy hiểm và kiếm lời hàng nghìn euro từ mỗi người di cư.
Nhiều năm qua, EU đã phải áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp, nhưng bất thành. Tới nay, sau 3 năm đàm phán giữa các quốc gia thành viên EU, chính sách nhập cư chung đã có những chuyển biến rõ ràng hơn. Hiệp ước Di cư và tị nạn đã được ký kết nhằm cố gắng thu hẹp sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên EU, nhấn mạnh sự đoàn kết và phân bổ gánh nặng nhập cư một cách công bằng hơn.
Việc Nghị viện châu Âu (EP) hồi giữa tháng 4 năm nay phê chuẩn hiệp ước mới về chính sách di cư và tị nạn đã quy định rõ về sàng lọc trước khi nhập cảnh, bao gồm nhận dạng, thu thập dữ liệu sinh trắc học cũng như kiểm tra sức khỏe và an toàn trong thời gian tối đa là 7 ngày.
Các quy định mới sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026 và 27 nước thành viên EU sẽ có 2 năm để đưa ra những thay đổi tương ứng trong luật pháp quốc gia của mình.
Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) ca ngợi kết quả ký kết và cho rằng điều đó sẽ "bảo đảm biên giới châu Âu, đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản" của người di cư. Tuy nhiên, Chủ tịch EC không quên nhấn mạnh: "Chúng ta phải là người quyết định ai sẽ đến EU và trong hoàn cảnh nào, chứ không phải những kẻ buôn lậu và buôn người".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Di cư của Hy Lạp, Dimitris Kairidis, cũng đã gọi đây là "sự kiện lịch sử" với hy vọng ngăn được làn sóng người di cư bất hợp pháp vào EU, cũng như kéo giảm những vụ chết người tập thể thảm thương trên biển.
Tuy nhiên, hiệp ước mới về chính sách di cư và tị nạn do Nghị viện châu Âu thông qua không phải đã được sự ủng hộ của tất cả các thành viên EU. Vì rằng, một số quốc gia được cho là “tiền tuyến” đối đầu với làn sóng người di cư như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy, Malta cho rằng họ thiệt thòi vì phải gánh nhiều gánh nặng hơn những thành viên khác còn lại trong EU.
Theo Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), 63.285 người di cư thiệt mạng hoặc mất tích trong vòng 10 năm qua. Riêng số người chết đuối ở Địa Trung Hải trước khi cập bến châu Âu là 28.854 người. Hơn 60% số người thiệt mạng được ghi nhận có liên quan đến đuối nước, còn lại là những nguyên nhân khác, trong đó có chết đói, chết khát và bệnh tật. Khoảng 53,3% số người di cư đến châu Âu được xác định là từ các quốc gia xung đột, nghèo đói, trong đó có Afghanistan, Syria, Ethiopia...