Ngăn chặn lạm thu đầu năm học: Cần xử lý mạnh tay
Vụ việc cô giáo ở TPHCM trực tiếp giữ quỹ lớp, đề xuất phụ huynh góp tiền mua laptop để cô dùng soạn bài nhưng không được phụ huynh đồng thuận, đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Từ đây, câu chuyện xã hội hóa dưới góc nhìn mượn danh hội phụ huynh học sinh đứng ra vận động mua tivi, máy lạnh, đèn, quạt... một lần nữa được đặt ra với nhiều bức xúc.
Nỗi buồn mang tên “vận động”
Tại Trường Tiểu học Chương Dương (quận 1, TPHCM), một giáo viên chủ nhiệm lớp 4 đã vận động phụ huynh góp tiền mua laptop cá nhân, vì máy của cô vừa mất. Cô đã mua chiếc máy tính 11 triệu đồng, đề xuất phụ huynh hỗ trợ 6 triệu đồng, cô bù 5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tạo bình chọn trong nhóm Zalo của lớp, có 26 phụ huynh đồng ý, 3 phụ huynh không đồng ý, 9 phụ huynh không ý kiến. Sau đó, cô nhắn lại sẽ không nhận tiền từ phụ huynh, cô tự mua và không soạn đề cương cho học sinh, yêu cầu phụ huynh tự ôn cho con.
Đáng nói, trong lúc bỏ phiếu, có phụ huynh nêu ý kiến là không đồng ý, cô giáo này đã nhắn tin lại hỏi phụ huynh không đồng ý là phụ huynh của bé nào, và sau đó khóa bình chọn. Bên cạnh đó, cô giáo trực tiếp cầm tiền của các phụ huynh đóng góp đầu năm để mua một số vật dụng cho lớp, khi liệt kê các khoản chi cô vẫn ghi khoản 6 triệu đồng mua laptop và sau đó phải xóa nội dung này đi, do có thành viên của ban đại diện phụ huynh ý kiến.
Những ngày tiếp theo, học sinh của lớp 4/3 về phản ánh với phụ huynh rằng cô H. cho các học sinh học qua tivi nhiều. Hầu hết các bộ môn, cô đều cho học sinh xem Youtube, ngay cả một số lời giải trên tivi rồi để các con chép lại.
Hàng loạt hành động của cô giáo khiến phụ huynh bức xúc, học sinh lo lắng khi đến trường. Tới sáng 30/9, đã có 24/38 học sinh của lớp này nghỉ do chưa nắm được thông tin nhà trường đã tạm đình chỉ giáo viên này 15 ngày.
Xét từ bất cứ góc độ nào, việc giáo viên trực tiếp cầm quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh là không đúng quy định. Đó là chưa kể vấn đề này rất nhạy cảm trong môi trường giáo dục.
Theo TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hành vi cô giáo yêu cầu phụ huynh góp tiền mua máy tính cá nhân cho mình là vi phạm quy định của ngành giáo dục, cũng như vi phạm tư cách đạo đức của người giáo viên. Ngành giáo dục cũng như các địa phương đã ban hành văn bản quy định các khoản thu nào được phép, các khoản nào không được phép thu, đặc biệt là các khoản thu để mua sắm, trang bị cho cá nhân giáo viên thì đều không được phép, nhà trường, giáo viên và ban đại diện cha mẹ học sinh cần tuân thủ.
Bên cạnh đó, những lời nói, thái độ không hài lòng, phương pháp giảng dạy sau vụ việc ủng hộ mua laptop không thành của giáo viên càng gây bức xúc với phụ huynh. Trên cương vị là một nhà giáo, ứng xử phản cảm của cô thực sự khó nhận được sự cảm thông của bất cứ ai, nên có thể hiểu mong muốn của những phụ huynh lớp này là muốn đổi giáo viên. Đây là bài học để các thầy cô xem lại bản thân mình, rút ra kinh nghiệm về cách ứng xử với phụ huynh, học sinh và hiểu rõ trách nhiệm, vị trí của mình.
Cần nghiêm cấm việc mượn danh hội phụ huynh thu tiền
Tại Dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện có quy định rõ, một trong những trách nhiệm của nhà giáo là “giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo”. Dự thảo Luật cũng nghiêm cấm nhà giáo có hành vi “xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học”. Tuy nhiên, chưa có phần xử lý những hành vi phạm ra sao nếu bị phát hiện, nên dường như chưa đủ sức để thuyết phục hay ngăn chặn những hành vi sai trái này. Nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm cần nghiêm cấm việc mượn danh nghĩa hội phụ huynh học sinh đứng ra thu tiền phụ huynh dưới mọi hình thức. Hiện nhiều nơi lấy danh nghĩa xã hội hóa giáo dục, nhờ hội cha mẹ học sinh vận động mua rất nhiều trang thiết bị như máy chiếu, máy in, tivi, bảng thông minh… nhưng thực tế số tiền thu được lại không công khai, minh bạch, thậm chí lớp đã có sẵn điều hòa do các khóa trước để lại nhưng vẫn được yêu cầu nộp tiền mua điều hòa hoặc thu tiền “thuê điều hòa” cao hơn cả việc đi mua mới gây bức xúc trong dư luận.
Nhấn mạnh các quy định ngăn chặn lạm thu đã có đầy đủ nhưng hàng năm, đặc biệt vào dịp đầu năm học, ở nơi này nơi kia lại xảy ra lạm thu, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, cần xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường nếu xảy ra lạm thu. Phải tăng cường giám sát, quán triệt tư tưởng cho toàn bộ giáo viên để không xảy ra những hành động tương tự, để môi trường học đường thực sự an toàn, tin cậy cho phụ huynh yên tâm gửi gắm con em mình.
“Hiện nay Ban thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành hoạt động rất hiệu quả nhưng phụ huynh thường “né” phản ánh đến đây vì sợ con em mình bị bắt nạt, phân biệt đối xử trong nhà trường. Ngay cả khi hành vi đó đã được tố giác, một số phụ huynh cũng lo ngại, đề nghị xóa tên mình, con em mình để tránh bị liên lụy. Vì vậy, tôi cho rằng nên tố giác theo ngành dọc nhưng cũng cần có phương án bảo vệ phụ huynh và học sinh, nếu không sẽ rất khó nhận được những lá đơn tố giác này” – TS Vũ Thu Hương kiến nghị.