Thuế thu nhập doanh nghiệp với báo chí: Áp dụng chung mức 10% là phù hợp
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) chính thức được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới. Hiện nay nhiều ý kiến đưa ra đề xuất nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí.
Hiện nay, dự thảo Luật bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Tuy nhiên, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật trên, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến hiện nay chúng ta quy định riêng báo in và báo điện tử. Trong lĩnh vực báo in đã thực hiện chính sách giảm thuế cho cơ quan báo chí. Còn báo điện tử chúng ta giữ ở mức như các đơn vị sự nghiệp công lập khác.
“Các cơ quan báo chí của chúng ta 100% thuộc các đơn vị, cơ quan nhà nước. Hiện nay thu nhập dựa phần nhiều là từ quảng cáo, hiện miếng bánh quảng cáo giảm đi rất nhiều, nói chung là rất khó khăn. Do đó chúng tôi đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và chúng ta nên có cùng chung mức thu cho cả báo in, điện tử, và các ấn phẩm báo chí khác” - ông Vinh nói.
Liên quan đến vấn đề trên, theo ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính, tại Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) hiện hành quy định mức thuế suất phổ thông với các cơ quan báo chí là 20% (trừ hoạt động báo in được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN ưu đãi ở mức 10%).
Trong dự thảo Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, Bộ này đề xuất bổ sung hoạt động báo chí, bao gồm cả quảng cáo trên báo nói chung thay vì chỉ hoạt động báo in như hiện nay thuộc ngành, nghề được áp dụng thuế ưu đãi thu nhập DN. Mức thuế được bộ đề xuất là 15%, giảm 5% so với hiện hành. Riêng với báo in, mức thuế tiếp tục được đề xuất áp dụng là 10%.
Vừa qua, tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 năm 2024 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đang lắng nghe đề xuất của cơ quan báo chí, xem xét các phương án hỗ trợ về thuế thu nhập DN cho các cơ quan báo chí. Việc điều chỉnh thuế suất nhằm mục tiêu giảm bớt khó khăn cho ngành báo chí, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là sự suy giảm về nguồn thu quảng cáo.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hoá, giáo dục) cho hay, cá nhân ông đã nhiều lần đề xuất giảm thuế cho báo chí khi bàn đến các luật về thuế. Lần này, chúng ta sửa Luật Thuế thu nhập DN thì đây là cơ hội để sửa đổi các quy định về thuế đối với các cơ quan báo chí.
Ông Tiến phân tích: Nên áp dụng chung các loại hình báo chí và giảm xuống ở mức 10%, chứ không nên để mức 20%, hoặc 15% như đề xuất hiện nay. Bởi báo chí là phương tiện truyên truyền, vừa là định hướng dư luận, tham gia vào nhiệm vụ chính trị chứ không giống như các DN kinh doanh khác. Cho nên phải nhìn báo chí ở góc độ lĩnh vực tư tưởng văn hoá, định hướng dư luận và tham gia vào nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. Vì thế tất cả các loại hình báo chí nên đưa về chung một mức 10% là phù hợp.
Theo ông Tiến, tính chất của báo chí là tư tưởng, văn hoá. Đã là tư tưởng, văn hoá thì không nên đặt nặng vấn đề thuế đối với báo chí dù rằng là báo in, báo nói, báo hình, hay báo điện tử. “Tôi xin nhấn mạnh rằng, báo chí có hoạt động quảng cáo thì chúng ta đã có điều chỉnh ở Luật Quảng cáo. Các cơ quan báo chí cũng phải nộp một phần doanh thu từ hoạt động quảng cáo rồi. Số tiền thu từ hoạt động quảng cáo trên báo chí dùng để nuôi sống bộ máy và trang bị trang thiết bị hiện đại.
Cho nên riêng đối với Luật Thuế thu nhập DN, trong đó có thuế đối với báo chí thì nên xác định báo chí làm nhiệm vụ chính trị, định hướng dư luận chứ không nên nghĩ báo chí như một doanh nghiệp kinh doanh như các lĩnh vực kinh doanh khác” - ông Tiến nói.
Từ cuối năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh một số quy định về cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Tài chính xem xét 5 nhóm vấn đề. Trong đó đối với nhóm ý kiến về chính sách thuế, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay các cơ quan báo chí đã được nhà nước ưu đãi về thuế thu nhập DN với thuế suất là 10%. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ quan báo chí có hai loại hình báo chí trở lên (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử).
Trong khi đó, hoạt động báo chí đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất Nhà nước thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế.