Văn hóa

Phát ngôn thiện tâm

Đỗ Minh 01/10/2024 14:30

Cơn bão số 3 đi qua nhưng nỗi đau thì vẫn còn đó và việc khắc phục hậu quả thiên tai đã và đang tiếp tục. Đối với hoạt động từ thiện, rất đáng buồn khi một số người đánh bóng bản thân, khoe khống số tiền hỗ trợ, nhưng cũng thật buồn lại có những người nhân danh sự minh bạch để dè bỉu người khác rồi cười cợt hả hê. Từ đó tạo ra “những cơn bão miệng” trên mạng xã hội nhắm đến hoạt động thiện nguyện của những người nổi tiếng.

Có thể thấy rất rõ ở trường hợp ca sĩ Sơn Tùng M-TP, do không “check VAR” được nên một số tài khoản liền gọi anh là “hến” - ý nói “câm như hến” vì cho rằng ca sĩ này đã không hỗ trợ 1,5 tỷ đồng để xây dựng một điểm trường mới cho thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) như anh nói.

Nhưng rồi, khi đã xác định được Sơn Tùng có ủng hộ số tiền ấy thì họ vẫn chưa chịu thôi khi mỉa mai rằng riêng số tiền ca sĩ này ủng hộ đã hơn cả Hội Nhà văn. So sánh ấy thật vô lý, lộ rõ hàm ý rất không tốt.

Một số họa sĩ cũng cho biết, họ đã dành toàn bộ số tiền đấu giá được từ tác phẩm của mình để ủng bộ bà con vùng lũ. Nhưng rồi cũng không tránh khỏi sự phán xét, giễu cợt, rằng chỉ đưa ra những bức tranh “nhỏ như con thỏ” - về kích cỡ; tranh mầu nước - ý nói chất liệu hội họa rẻ; hay là tranh giấy - bị vu lên là chất liệu dễ dãi... Những chỉ trích vô lối ấy bất chấp giá trị và sự rung cảm thẩm mỹ của một tác phẩm hội họa, khiến người làm từ thiện đau lòng.

Khi thiên tai đổ xuống bất kỳ vùng miền nào của Tổ quốc, giới nghệ sĩ nói chung đều có ý thức đóng góp công sức khắc phục hậu quả. Nhưng không phải lúc nào họ cũng được khích lệ. Nhất là những chỉ trích, mai mỉa thường lại đến từ những người... ngồi không.

Không chỉ chê bai một cách vô lối, những phát ngôn xấu xí đó còn như một cuộc đấu tố. Việc “đấu tố” theo kiểu dây chuyền và tiếp nối nhau như những ngày qua dù không nhiều nhưng cũng thật sự là một hồi chuông đáng báo động. Người làm sai bị chê trách, phê phán nhưng hoạt động từ thiện thì làm sao lại đem ra mỉa mai, vu khống?

Càng đáng buồn hơn khi thái độ của những người núp dưới cái vỏ bọc quang minh chính đại để “bóc phốt” lại chính là sự hả hê, khoái trá. Những người đó không hẳn thích sự thật, trung thực khi chỉ nhắm vào người họ ghét. Điều đó đã khiến cho không ít người nổi tiếng, những người hoạt động trong làng giải trí tích cực tham gia hoạt động từ thiện cảm thấy bị xúc phạm.

Không bao giờ được biến hoạt động từ thiện thành cuộc đua giàu - nghèo, “phông bạt”, làm màu và cũng không bao giờ được phép chê bai hoạt động từ thiện. Vì đó là trách nhiệm công dân, là sự thổn thức của trái tim, là nghĩa đồng bào “lá lành đùm lá rách” để cùng nhau vượt qua cơn cơ cực.

Khi ảnh hưởng của mạng xã hội ngày càng lớn thì phát ngôn lại càng phải cân nhắc kĩ lưỡng, phát ngôn phải thiện tâm chứ không phải để vùi dập người khác. Hậu quả bão lũ vẫn còn đó thì càng không thể để xảy ra “những cơn bão miệng” trên mạng xã hội, vì nó cũng đem tới hậu quả rất xấu.

Đỗ Minh