Cho học sinh nghỉ học thứ 7: Liệu có tăng áp lực học thêm?
Một số tỉnh thành trên cả nước đã triển khai hoặc đang lấy ý kiến việc cho học sinh nghỉ học vào thứ 7. Chủ trương này không mới nhưng đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều tỉnh triển khai cho học sinh nghỉ thứ 7
Tỉnh Lào Cai đã thí điểm cho học sinh THCS nghỉ thứ 7 từ năm 2019 và hoàn tất chính sách này với học sinh THPT từ tháng 3 năm 2024.
Sau Lào Cai, Lai Châu chính thức áp dụng lịch học từ thứ 2 đến thứ 6, nghỉ thứ 7 và Chủ nhật với học sinh mọi cấp học. Quyết định này căn cứ vào quy định của Bộ GDĐT về chế độ tuần làm việc 40 giờ và đề xuất của ngành giáo dục địa phương.
Trước Lai Châu, nhiều địa phương khác cũng đưa ra quyết định tương tự với quy mô áp dụng khác nhau.
Mới đây, Phòng GDĐT TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã áp dụng thí điểm cho học sinh THCS nghỉ học chính khóa ngày thứ 7 trong năm học 2024-2025. Việc này nhằm giảm áp lực về thời gian làm việc cho giáo viên cũng như tăng thời gian nghỉ ngơi cho học sinh.
Hiện, TP Hà Tĩnh có 8/9 trường THCS triển khai thí điểm nghỉ học thứ 7.
Tại Nghệ An, nhiều trường THCS tại thành phố Vinh và các huyện miền núi thí điểm cho học sinh THCS nghỉ học thứ 7 từ năm 2023, căn cứ trên cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng lịch học 2 buổi/ngày.
Tại Hà Nội, nhiều năm gần đây, một số trường THPT đã không thực hiện việc học chính khóa vào ngày thứ 7 như các trường: THPT Phan Huy Chú, THPT Yên Hòa, THPT Đại Mỗ, THPT FPT…
Có tăng áp lực?
Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT về việc dạy học 2 buổi mỗi ngày với cấp THCS và THPT, nếu dạy cả ngày, các trường không được dạy quá 4 tiết buổi sáng với bậc THCS và 5 tiết với THPT.
Số tiết tối đa buổi chiều là 3 tiết, tối đa 1 tuần là 42 tiết với cấp THCS và 48 tiết với cấp THPT. Các trường được chủ động trong việc bố trí lịch học 5 hoặc 6 ngày/tuần.
Hiện nay, khối tiểu học ở hầu hết các địa phương đều học 2 buổi/ngày, 5 ngày/tuần. Trong khi đó, khối THCS và THPT ở nhiều nơi đang học nửa ngày từ thứ 2 đến thứ 7 để đảm bảo khung chương trình quy định.
Vì vậy, chủ trương cho học sinh nghỉ học thứ 7 nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh, học sinh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về việc nếu nghỉ học thứ 7, các ngày học khác trong tuần, học sinh sẽ phải học dồn tiết, tăng thêm buổi học chiều vào các ngày trong tuần. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh, giáo viên có tâm lý cho các con học thêm vào các ngày cuối tuần. Như vậy, liệu có tạo thêm áp lực cho học sinh?
Về vấn đề này, trao đổi với PV, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, việc triển khai học 2 buổi/ngày và 5 ngày/tuần liên quan tới cơ sở vật chất, số phòng học cũng như đội ngũ giáo viên.
Thế nên, những trường cho học sinh nghỉ học thứ 7 cần sắp xếp thời khoá biểu, thực hiện dạy học bảo đám đúng yêu cầu, không cắt xén chương trình.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, việc nghỉ học thứ 7 cần nhìn nhận phù hợp với từng độ tuổi. Trong đó, với học sinh cấp 3, các em đã lớn, có thể làm chủ thời gian của bản thân thì việc này nên được khuyến khích.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, với những học sinh chuẩn bị bước vào các kỳ thi chuyển cấp, nếu được nghỉ học chính khoá 1 buổi, rất có thể các em sẽ phải đi học thêm.
“Thay vào học văn hóa, các em sẽ có 1 ngày thứ 7 để học các môn năng khiếu, tham gia các hoạt động ngoại khoá. Bên cạnh đó, giáo viên cũng có thêm một ngày để bồi dưỡng chuyên môn. Nếu đúng tinh thần này thì nên cho học sinh nghỉ thứ 7”, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.