Tiếp tục các biện pháp ổn định thị trường vàng
Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền.
Đồng thời, NHNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng. Trong đó, tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra theo Quyết định số 324 ngày 17/5/2024 của NHNN đối với 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng theo đúng kế hoạch.
"Kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý và đề xuất các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật hình sự nếu có" - NHNN nhấn mạnh.
Cùng với đó, NHNN sẽ tổ chức tổng kết, đề xuất sớm sửa đổi Nghị định 24/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếngđể hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng, đặc biệt là từ các quốc gia có môi trường kinh doanh, thể chế chính trị tương đồng.
Trước đó, trong nửa đầu năm 2024, giá vàng trong nước đã liên tiếp lập đỉnh và xô đổ các kỷ lục từng ghi nhận. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá thế giới có thời điểm lên tới 18 triệu đồng/lượng.
Đứng trước những biến động mạnh và chứa đựng nhiều rủi ro này, NHNN đã buộc phải can thiệp, phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đáng chú ý, NHNN đã tổ chức đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và các cơ quan báo chí, truyền thông; kịp thời chia sẻ, cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách quản lý thị trường...
Ngoài ra, NHNN còn yêu cầu các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật; đề nghị Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi… gây mất ổn định thị trường vàng.
Với những giải pháp đồng bộ và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên trong vòng 2 tuần gần đây, thị trường vàng lại tiếp tục "nóng" khi giá vàng nhẫn tăng cao đột biến và đạt đỉnh giá chưa từng thấy trong lịch sử.
Giá vàng nhẫn niêm yết tại Bảo Tín Minh Châu lúc 1h52 chiều 30/9 ở mức 82,54 - 83,44 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng mạnh 310.000 đồng chiều mua vào và 110.000 đồng chiều bán ra cho mỗi lượng so với thời điểm đóng cửa giao dịch cuối tuần trước.
Trên thế giới, giá vàng tại thị trường châu Á tăng nhẹ trong phiên 30/9 và đang trên đà ghi nhận quý đi lên thứ tư liên tiếp. Giá vàng giao ngay tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ) trong phiên này tăng 0,2% lên mức 2.662,3 USD/ounce.
Theo giới chuyên gia, tình trạng khan hiếm vàng miếng giống như một "cơn khát" khiến nhà đầu tư đổ xô sang vàng nhẫn. Áp lực cầu quá lớn đã khiến giá vàng nhẫn tăng vọt, bất chấp những biến động của giá vàng thế giới.