Thái Lan tăng mức phạt với lái xe uống rượu
Cảnh sát có thể lấy mẫu nước tiểu hoặc máu để kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Đó là biện pháp mới được Thái Lan triển khai nhằm ngăn chặn các trường hợp say rượu vẫn lái xe.
Theo quy định mới này thì cảnh sát có thể lấy mẫu nước tiểu hoặc mẫu máu để kiểm tra nồng độ cồn trong máu của những lái xe từ chối thổi vào máy đo nồng độ cồn. Đối với mẫu nước tiểu, sau khi lấy sẽ được gửi đến bệnh viện gần nhất để xét nghiệm. Còn với xét nghiệm máu, cảnh sát sẽ đưa tài xế đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra y tế.
Cụ thể, với những lái xe có lượng cồn trong máu vượt quá 50mg, hoặc 20mg đối với người dưới 20 tuổi, sẽ bị coi là say rượu và bị buộc tội lái xe khi say rượu. Nếu nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép, người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt từ 5.000 - 20.000 Baht (tương đương từ 3,7 - 15 triệu đồng) và/hoặc phạt tù tối đa 1 năm trong lần vi phạm đầu tiên. Nếu tái phạm trong vòng 2 năm kể từ lần vi phạm đầu tiên sẽ bị phạt tù 2 năm và/hoặc tăng tiền phạt lên gấp từ 5 - 10 lần so với lần vi phạm đầu tiên. Giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ bị tước trong ít nhất 1 năm hoặc thậm chí tước vĩnh viễn. Trong trường hợp gây thương tích hoặc tử vong cho người khác, người điều khiển phương tiện khi say rượu có thể bị phạt tù lên đến 10 năm, phạt tiền 200.000 Baht (150 triệu đồng) và bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn.
Quy định cũng nêu rõ người lái xe từ chối để bác sĩ khám mà không có lý do chính đáng sẽ bị coi là có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép.
Trước đó, từ ngày 15/12/2023, Bộ Y tế Thái Lan đã đưa ra quy định đối với các nhà hàng và quán bar kinh doanh đồ uống có cồn mở cửa đến 4 giờ sáng phải cung cấp máy kiểm tra hơi thở cho những khách hàng uống rượu và lái xe. Các nhà hàng, quán ăn hoặc địa điểm vui chơi kinh doanh đồ uống có cồn tại các điểm du lịch và các khách sạn trên cả nước phải bố trí khu vực giải rượu cho khách hàng có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức 50mg.
Những khách hàng say rượu sẽ phải đợi bên trong các khu vực này cho đến khi họ đủ tỉnh táo để lái xe. Nếu khách hàng từ chối, nhà hàng phải liên hệ với bạn bè, người thân hoặc cung cấp phương tiện di chuyển để đưa khách hàng về nhà và khách hàng sẽ phải trả tiền cho dịch vụ này.
Theo thống kê, lái xe trong tình trạng say rượu là nguyên nhân lớn thứ hai gây tai nạn giao thông đường bộ ở Thái Lan.