Nét đẹp trong lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ
Hàng năm cứ vào ngày 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch, đồng bào Khmer Nam Bộ lại tưng bừng tổ chức lễ Sen Dolta tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, những người trong thân tộc quá cố và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng.
Theo tiếng Khmer, từ “Sen” có nghĩa là cúng, còn “Dol” có nghĩa là bà, “Ta” nghĩa là ông. Lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer có ý nghĩa như lễ vu lan báo hiếu thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà tổ tiên đã khuất.
Dịp lễ này, luôn được bà con đồng bào dân tộc Khmer chuẩn bị hết sức chu đáo. Thông thường, mỗi gia đình sẽ cử 1 hoặc 2 thành viên đến hỗ trợ nhà chùa làm những công việc chuẩn bị cho ngày lễ như: treo cờ phướn, dọn cỏ, quét dọn khuôn viên tháp đựng cốt, sơn phết tháp… Các gia đình cũng tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ và chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống để dâng cúng ông bà, tổ tiên.
Dù đã có gia đình riêng, song chị Lâm Thị Huỳnh Thi (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) và các chị đều trở về nhà cha mẹ trong dịp lễ Sen Dolta. Không chỉ dành cho nhau những phút giây sum họp, đây còn là nét đẹp truyền thống của gia đình để cùng nhau đề cao giá trị chữ hiếu. Để có mùa lễ ấm áp và đậm đà hương vị, gia đình chị Huỳnh Thi luôn tổ chức làm các loại bánh dân gian đặc trưng của đồng bào Khmer để dâng lên ông bà đã khuất và cũng là góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Danh Hiền, ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời chia sẻ: “Lễ Sen Dolta, các thành viên trong gia đình ở xa đều tranh thủ về nhà thắp nén nhang và đến chùa cúng phật. Tôi cũng cầu mong cho gia đạo được bình an, mưa thuận gió hòa, làm ăn mọi việc điều suôn sẽ thuận lợi”.
Theo lễ nghi truyền thống, lễ Sen Dolta thường được tổ chức trong thời gian nữa tháng với 4 nghi thức chính: lễ đặt cơm vắt (Bos Bai Ben), lễ cúng ông bà (Sen Dolta), lễ rước ông bà (Phchum Ben) và lễ đưa tiễn ông bà (chun Đôn Ta). Tuy nhiên, ngày nay lễ hội được diễn ra trong 3 ngày từ 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch với nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có.
Ông Thạch Văn Tuấn, ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết: “Theo đúng như truyền thống ngày xưa thì ngày thứ ba và cũng là ngày cuối của lễ Sen Dolta, cúng đưa ông bà. Gia đình nào cũng nấu mâm cơm, thức ăn, chuẩn bị bánh, hoa quả, nhang, đèn… Sau đó, người ta cho thức ăn vào thuyền làm bằng bẹ chuối hay mo cau đã chuẩn bị sẵn thả xuống các con sông, kênh rạch gần nhà. Tuy nhiên, hiện nay việc cúng lễ Sen Dolta đã đơn giản hơn trước nên việc thả thuyền này không còn mấy người thực hiện nữa. Giờ mọi người chủ yếu đến chùa và làm các nghi thức, gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng”.
Trong lễ báo hiếu, bàn thờ ông bà tổ tiên là nơi quan trọng nhất nên các gia đình đều dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ, bày trí hoa quả cho thật đẹp. Trong khi cánh đàn ông bày trí bàn thờ ở nhà trên thì dưới bếp phụ nữ lo nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn thức uống. Lễ được cúng tại nhà để rước tổ tiên, ông bà về ăn cơm với con cháu. Với những bữa cơm đầm ấm, sum vầy như thế, người Khmer nhắc nhở con cháu đời nay phải luôn nhớ về nguồn cội tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Sau nghi thức cúng tại nhà, vào các buổi tối, người Khmer thường đến chùa vãn cảnh, nghe chư tăng tụng kinh và cúng dường cầu phước, khấn vái tổ tiên cầu bình an, hạnh phúc. Để tạo sinh khí vui tươi cho lễ, tại một số chùa cũng diễn ra nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc như: ca múa, biểu diễn dàn nhạc ngũ âm…
Trong lễ Sen Dolta nghi thức đặc sắc nhất chính là lễ đặt bát, từng người lần lượt đặt một nắm cơm nhỏ vào bát cho sư đến khi bát đầy thì nghi thức kết thúc. Nghi lễ đặt bát mang ý nghĩa khuyên con người hướng thiện, mỗi ngày làm một điều thiện theo thời gian điều thiện sẽ càng nhân lên. Nghi lễ còn nhắc nhở mỗi hạt gạo làm ra đều rất quý giá, hạt gạo là kết tinh công sức của biết bao thế hệ nên phải có ý thức giữ gìn tài sản, mồ hôi nước mắt mà ông bà, cha mẹ để lại. Đồng thời, không quên công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành, trách nhiệm phụng dưỡng, báo hiếu với người còn sống.
Đồng bào Khmer thấm nhuần giáo lý nhà Phật, luôn tâm niệm tưởng nhớ công đức sinh thành dưỡng dục thể hiện ở tấm lòng thành kính, bởi vậy lễ vật dâng cúng ông bà tổ tiên trong lễ Sen Dolta không phô trương hình thức, mâm cao cỗ đầy, mà tùy theo điều kiện kinh tế mỗi gia đình. Lễ vật thường là những món ăn bình dị, gần gũi hàng ngày, như trái cây vườn nhà, sản vật chợ quê. Trong dịp lễ này, con cháu người Khmer còn chuẩn bị các thức ăn ngon, lễ vật có ý nghĩa, dâng lên ông bà cha mẹ còn sống để tỏ lòng hiếu kính.
Trong những ngày lễ Sen Dolta, tại các chùa Khmer diễn ra nhiều hoạt động, biểu diễn nghệ thuật với các loại hình đặc sắc mang đậm đà bản sắc văn hóa Khmer như hòa nhạc ngũ âm, múa các điệu múa truyền thống… nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các họat động khác biểu hiện phong tục, tập quán của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Lễ Sen Dolta của bà con người Khmer Nam Bộ là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa rất lớn. Ngoài ra, Lễ này vừa thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa, tinh thần trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gắn với các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng trong ngôi chùa Khmer Nam Bộ.