Tinh gọn các cuộc thi để nâng cao chất lượng dạy và học
Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM vừa có quyết định tinh giản các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh. Đây là bước đi đột phá của ngành giáo dục thành phố, nhằm giảm áp lực không cần thiết và tập trung vào chất lượng giáo dục thực chất.
Địa phương, nhà trường cùng lên tiếng
Trước đó, đầu năm 2024, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có ra văn bản yêu cầu cắt giảm tối đa các cuộc thi. Bởi theo thống kê của Sở GDĐT Vĩnh Phúc, có tới 48 cuộc thi dành cho học sinh diễn ra năm 2023. Trong đó, có 5 cuộc thi cấp quốc gia do Bộ GDĐT tổ chức, 7 cuộc thi cấp tỉnh do Sở GDĐT tổ chức, 36 cuộc thi còn lại do các bộ, sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể của trung ương và địa phương phát động, triển khai đến học sinh phổ thông của Vĩnh Phúc. Đó là chưa kể nhiều cuộc thi trên mạng dành cho học sinh tham gia với tinh thần tự nguyện…
Việc có quá nhiều cuộc thi “đổ bộ” dồn dập vào trường học khiến giáo viên, học sinh tăng thêm âu lo vì không chỉ phát động cho có, ai tham gia là tự nguyện. Một số cuộc thi sẽ tính vào thành tích của tập thể nhà trường, của lớp, của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn… nên không thể bỏ qua hoặc làm qua loa cho xong. Nhưng khi dồn nhiều tâm huyết vào việc chuẩn bị cho các cuộc thi, trong khi hoạt động dạy học vẫn phải đảm bảo, giáo viên rất khó để hoàn thành cùng lúc. Đây chính là một trong những tâm tư được giáo viên gửi gắm tới Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trong cuộc gặp gỡ năm 2023. Khi đó, cô giáo Lý Thị Trinh Nguyên (Trường mẫu giáo Họa Mi, tỉnh Hậu Giang) cho hay, trong trường học có các cuộc thi/hội thi của giáo viên, học sinh… Vì vậy, giáo viên có rất nhiều áp lực, mất nhiều thời gian, không có điều kiện chăm sóc gia đình.
Cần giải pháp đồng bộ
Không ít ý kiến cho rằng cần, nên và phải giảm tải các cuộc thi để không làm mất đi niềm vui học tập, gây ra những tác động xấu đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.
Nhiều phụ huynh cũng nhận ra điều đó song áp lực của cuộc đua vào trường chuyên, lớp chọn lại khiến họ bắt buộc phải động viên con tham gia các cuộc thi. Chị Lê Thùy Linh (Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, con trai chị đang học lớp 5 và có nguyện vọng đăng ký vào Trường THCS Hoàng Mai (Hà Nội). Đây là trường chất lượng cao, tuyển sinh đầu vào theo phương án xét học bạ nên ngoài điểm cộng 5 năm học sinh giỏi cấp tiểu học, chị còn đăng ký cho con tham gia nhiều cuộc thi Toán, tiếng Anh, kỹ năng sống, thi vẽ tranh… để có thêm ưu thế xét tuyển.
Thực tế, ngay cả khi đã đỗ vào trường mong muốn, những học sinh sở hữu nhiều giải thưởng cao cũng có lợi thế khi đăng ký lớp học theo sở trường. Chính vì vậy, dù chẳng cần nhà trường, giáo viên gây áp lực thì nhiều học sinh vẫn phải miệt mài chinh chiến với hàng tá cuộc thi nhằm làm phong phú bộ sưu tập giải thưởng, tăng lợi thế cạnh tranh trong xét tuyển sau này.
Tuy nhiên, cũng có những cuộc thi là bắt buộc nhà trường, giáo viên, học sinh phải tham gia. Điều đáng nói, có những cuộc thi nội dung chồng chéo, trùng lặp dù các đơn vị tổ chức khác nhau. Đơn cử, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều trường tiểu học tại một địa phương được chỉ đạo tham gia 3 cuộc thi như Cuộc thi “Hùng biện tiếng Anh”; Cuộc thi “Mỗi đoàn viên, thanh thiếu nhi là một hướng dẫn viên du lịch - Tour guire”; Cuộc thi “Thiếu nhi Việt Nam vươn ra thế giới” đều bằng tiếng Anh.
Nhìn từ thực trạng này, để các cuộc thi thực sự đem lại lợi ích thiết thực, ý nghĩa cho việc nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường, bên cạnh việc cần rà soát, tinh giản các cuộc thi từ phía địa phương, cần nêu cao vai trò của người đứng đầu các nhà trường. Trừ các cuộc thi là bắt buộc theo quy định của Bộ GDĐT, hiệu trưởng có quyền lựa chọn cần cân nhắc tham gia các cuộc thi để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh.
Bên cạnh đó, đổi mới phương án thi cử, chọn học sinh giỏi theo hướng phù hợp để học sinh khi tham gia các sân chơi/cuộc thi một cách tự nguyện, vì yêu thích, đam mê chứ không phải thêm một cuộc thi với mục đích “phải cày có giải” để nộp hồ sơ sau này.
Từ năm 2017, Bộ GDĐT đã có văn bản chỉ đạo thống nhất số lượng các cuộc thi trong năm, đồng thời cũng quy định danh mục các cuộc thi của ngành tổ chức. Do đó, các cuộc thi của ngành, các trường cần quan tâm thực hiện. Còn đối với các cuộc thi khác, các địa phương, các trường cân nhắc tham gia. Đặc biệt, hiệu trưởng cần có vai trò quan trọng trong vấn đề này, không nên tham gia quá nhiều cuộc thi mang tính chất chồng chéo sẽ gây vất vả cho giáo viên và học sinh. Đối với cuộc thi nghiên cứu khoa học, đại diện Bộ GDĐT cho rằng cuộc thi giúp kích thích sự sáng tạo, học đi đôi với hành. Cuộc thi này vẫn tiếp tục thực hiện và có sự điều chỉnh, theo hướng đổi mới và phù hợp với lứa tuổi, mang tính thực chất.