Chính trị

Chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo

H.Vũ 02/10/2024 11:05

Lương của nhà giáo một lần nữa được đặt ra khi xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Thế nhưng ở thời điểm này có thực sự hợp lý?

bai trên IMG_0089
Cần có cơ chế đãi ngộ thật tốt đối với đội ngũ nhà giáo để họ yên tâm công tác. Ảnh: Xuân Lê.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), kết quả đánh giá, tổng kết thực trạng thi hành pháp luật về nhà giáo những năm qua cho thấy các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo chưa thực sự tương xứng với vị thế, vai trò của nhà giáo. Đời sống của nhà giáo còn khó khăn, nhà giáo chưa thể sống được bằng nghề, tiền lương của nhà giáo chưa thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho nhà giáo, nhất là nhà giáo trẻ và giáo viên mầm non.

Bộ GDĐT nêu quan điểm: Nhà giáo chưa nhận được sự quan tâm, bảo vệ xứng đáng từ xã hội, nên còn xảy ra nhiều sự việc đáng buồn về cách ứng xử từ xã hội, từ phụ huynh, người học đối với nhà giáo. Điều này dẫn tới tình trạng nhà giáo không an tâm công tác, một bộ phận không nhỏ nhà giáo đã bỏ việc, chuyển việc nhất là nhà giáo trẻ; đồng thời, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số lượng nhà giáo còn thiếu, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục, đào tạo.

Thống kê mới đây của Bộ GDĐT cho thấy, tính từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, cả nước có 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, trong đó đáng lưu ý là tỷ lệ giáo viên dưới 35 tuổi bỏ việc còn nhiều. Nguyên nhân của tình trạng trên là do điều kiện làm việc và chế độ, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng.

Lương nhà giáo còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề, chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Mức lương và chế độ chưa tạo được động lực trong bối cảnh áp lực công việc của nhà giáo ngày càng lớn.

Điểm mới lần này trong xây dựng dự án Luật Nhà giáo, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, nằm ở việc quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ”. Theo đó, dự thảo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn.

Dự thảo Luật quy định tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo quy định tại Luật này có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, để đảm bảo nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên cho đến khi Nhà nước có hướng dẫn mới về chính sách tiền lương, dự thảo Luật quy định tại Điều khoản chuyển tiếp: “Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới”.

Thực tế thì “lương cho giáo viên” không phải đến nay mới bàn, mà vốn đã được đề cập nhiều lần trong các phiên họp về cải cách tiền lương. Song vấn đề đang được đặt ra là vừa qua từ 1/7/2024 đã tăng 30% lương cơ sở từ mức 1,8 triệu đồng tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Vậy Luật Nhà giáo lại đề nghị “lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật” thì có hợp lý, và phù hợp trong bối cảnh hiện nay?

Điều đáng nói, ngay cơ quan thẩm tra dự án Luật trên là Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đưa ra quan điểm rằng: Thường trực Ủy ban đồng tình cần có chính sách tiền lương cho nhà giáo nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương này cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương, tránh cách hiểu sẽ có một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo.

“Thường trực Ủy ban cho rằng cần có chính sách hỗ trợ và chính sách thu hút nhà giáo. Tuy nhiên, cần đánh giá tác động, xác định đối tượng nhà giáo được thụ hưởng, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách”- ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thông tin.

Liên quan đến vấn đề trên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, dự án Luật Nhà giáo quy định về lương của nhà giáo được dẫn chiếu theo Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 của Trung ương. Kết luận 91 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29. Nghị quyết 29 đã ban hành đã 11 năm nhưng đến nay chưa thực hiện được trong khi đây là Nghị quyết của Đảng. Nhất là chiến lược và sách lược của Đảng đã nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu. Vì vậy chúng ta phải có sức hấp dẫn để thu hút đội ngũ nhà giáo giỏi để họ yên tâm với công tác giáo dục.

“Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, vận hội mới thì phải có con người là yếu tố quyết định. Nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng ta hiện nay vẫn chưa đảm bảo, từ đại học cho đến phổ thông. Phải đặt vấn đề đất nước muốn “cất cánh” phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn chất lượng cao là do giáo dục quyết định. Vì thế phải có cơ chế đãi ngộ thật tốt đối với đội ngũ nhà giáo để họ yên tâm công tác. Cho nên, lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” - ông Lâm nêu quan điểm.

H.Vũ