Hơn 200 thương hiệu tham gia triển lãm công nghiệp hỗ trợ
Sáng 2/10, Triển lãm Quốc tế về Máy công cụ và giải pháp gia công kim loại – Metalex Vietnam 2024 lần thứ 17 chính thức khai mạc.
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND TPHCM, đây là sự kiện hàng đầu trong nước và khu vực trong lĩnh vực máy móc, công nghệ gia công cơ khí và ngành công nghiệp hỗ trợ. Triển lãm thu hút hơn 200 thương hiệu trong và ngoài nước tham gia, trong đó hơn 75% là các đơn vị đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc,...
Đó là những doanh nghiệp sản xuất kinh kiện ô tô, hàng không, điện tử, gia công kim loại, giải pháp tự động hóa, hệ thống kiểm soát sản xuất và máy móc tiên tiến với mục tiêu thúc đẩy thị trường sản xuất Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.
Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, triển lãm công nghiệp hỗ trợ lần này tiếp tục là cầu nối giúp các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp Nhật Bản nâng cao năng lực sản xuất, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tuy đã có những bước tiến tích cực trong thời gian đây nhưng tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn chưa đạt kỳ vọng. Trong khi nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia về nguồn cung ứng nội địa ngày càng gia tăng, đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ công nghệ cao như hàng không, điện tử và ô tô. Vì thế, việc liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản là cơ hội quý để các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực sản xuất”, ông Võ Văn Hoan nói.
Ông Matsumoto Nobuyuki – Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại thành phố (JETRO) cũng khẳng định, Metalex Vietnam 2024 là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật bản gặp gỡ, kết nối và giới thiệu những giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và sản xuất bền vững.
Đại diện JETRO cho hay, với trọng tâm năm nay là lộ trình trung hòa carbon và kinh tế tuần hoàn mong sự kiện sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo JETRO, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam năm 2023 được mở rộng là 41.9%, tăng 4.6 điểm so với năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 10 năm đứng thứ hai, sau Ấn Độ. Tỷ lệ thu mua từ các doanh nghiệp địa phương Việt Nam tăng trưởng dần qua các năm, đạt 17.2% (tăng 2.2 điểm so với cùng kỳ).
Về triển vọng nội địa hóa trong tương lai, 43,2% doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi sẽ “mở rộng” tại Việt Nam, cao hơn nhiều so với mức trung bình 28.8% của ASEAN”.