Chuyên gia cảnh báo hình thức lừa đảo mới: Đánh cắp thông tin thẻ tín dụng
Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, trong thời gian gần đây, tình trạng đánh cắp thông tin thẻ tín dụng đang gia tăng, đặc biệt là qua các giao dịch mua hàng trực tuyến.
Hình thức lừa đảo mới
Trong cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo trên môi trường trực tuyến tuần qua, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết thời gian gần đây, nhiều người dân tại Mỹ trình báo họ bị kẻ gian đánh cắp thông tin thẻ tín dụng sau khi mua hàng thông qua các nền tảng trực tuyến.
Đây là phương thức lừa đảo chiếm đoạt thông tin vô cùng mới, nhắm tới tâm lý ham mua đồ giá rẻ của nhiều người.
Các đối tượng tiếp cận nạn nhân thông qua những bài đăng mua bán sản phẩm, hàng hóa với mức giá vô cùng ưu đãi, đi kèm nhiều khuyến mãi và quà tặng. Người có nhu cầu mua sắm sẽ phải cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng để hoàn tất thủ tục thanh toán. Tuy nhiên, sau khi điền thông tin, phương thức thanh toán của nạn nhân sẽ bị từ chối.
Cụ thể, các đối tượng xấu tạo lập những website giả mạo sàn thương mại điện tử, đính kèm đường dẫn trong các bài đăng quảng bá sản phẩm.
Điều đáng chú ý là trang web không nhận bất cứ phương pháp thanh toán nào khác ngoài thẻ ngân hàng, do đó nạn nhân bắt buộc phải cung cấp thông tin thẻ để mua sắm.
Sau đó, các đối tượng sẽ gửi tin nhắn cho nạn nhân, nói rằng phương thức thanh toán không thành công do thẻ bị từ chối, khuyến cáo nạn nhân thử lại bằng cách sử dụng thẻ khác.
Sau khi nhận được tin nhắn, nhiều nạn nhân sẽ có xu hướng sử dụng thẻ thuộc ngân hàng khác hoặc mượn của bạn bè, người thân. Hậu quả là những đối tượng xấu sẽ chiếm đoạt tối đa thông tin tài chính của nạn nhân, nhanh chóng thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp trước khi bị phát hiện.
Chủ động phòng tránh
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia) cho biết, trong thời gian gần đây, tình trạng đánh cắp thông tin thẻ tín dụng đang gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là qua các giao dịch mua hàng trực tuyến.
Đây là một hình thức lừa đảo nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dùng, lợi dụng tâm lý thích mua sắm giá rẻ và sự thiếu cẩn trọng khi sử dụng thẻ trên các nền tảng không an toàn.
Chuyên gia phân tích, hình thức lừa đảo phổ biến là kẻ xấu thường tạo ra các trang web hoặc ứng dụng mua sắm giả mạo, lừa người dùng nhập thông tin thẻ tín dụng sau khi mua hàng. Thông tin này sau đó được thu thập và sử dụng cho các mục đích xấu như mua sắm trực tuyến, rút tiền hoặc bán thông tin cho bên thứ ba.
Ngoài ra, một số nền tảng lừa đảo còn sử dụng các phần mềm độc hại (malware) hoặc các chương trình gián điệp (spyware) để tự động lấy cắp thông tin từ thiết bị của người dùng mà họ không hề hay biết.
Để tránh những rủi ro, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu khuyến cáo một số khuyến cáo quan trọng giúp người dùng bảo vệ thông tin thẻ tín dụng của mình:
Chỉ mua hàng tại các trang web, app ứng dụng uy tín: Người dùng nên kiểm tra tính bảo mật của trang web trước khi nhập thông tin thẻ tín dụng: Có logo cấp phép của Bộ Công Thương, có giấy phép kinh doanh rõ ràng và phương thức liên hệ được...
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng hiện nay cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng ảo cho các giao dịch trực tuyến, giúp hạn chế rủi ro bị lộ thông tin của thẻ chính.
Cập nhật phần mềm bảo mật thường xuyên: Việc cài đặt và cập nhật các phần mềm diệt virus, bảo mật trên các thiết bị cá nhân là rất quan trọng để phát hiện và ngăn chặn các phần mềm độc hại tiềm ẩn.
Cảnh giác với các ưu đãi quá tốt: Nếu một ưu đãi mua sắm trực tuyến có vẻ quá hấp dẫn hoặc giá sản phẩm thấp hơn nhiều so với giá thị trường, người dùng nên cảnh giác và tìm hiểu kỹ trước khi tiến hành giao dịch.
Kiểm tra sao kê thẻ tín dụng định kỳ: Người dùng nên thường xuyên kiểm tra sao kê thẻ để phát hiện sớm các giao dịch bất thường và thông báo ngay cho ngân hàng nếu có dấu hiệu nghi ngờ.
Khoá giao dịch thẻ trực tuyến khi không sử dụng, khi dùng thì có thể mở trên app ngân hàng.
Không đưa thẻ cho người lạ, không tin tưởng, luôn quan sát chú ý không rời mặt khi nhân viên quẹt thẻ của bạn trên máy POS.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi thực hiện mua sắm trực tuyến. Tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ, không tham gia mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không rõ nguồn gốc hoặc giả mạo.
Đặc biệt, cẩn trọng xác minh danh tính của người bán trước khi mua, tỉnh táo trước những quảng cáo sản phẩm với mức giá rẻ bất thường.
Khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại tên miền, đường dẫn của bài đăng và trang web giả mạo, sau đó trình báo với lực lượng chức năng để kịp thời kiểm tra và ngăn chặn hành vi lừa đảo.