Cơ hội và thách thức
Hà Nội sắp áp dụng quy định các thửa đất tại phường và thị trấn phải có chiều dài, chiều rộng từ 4m trở lên và diện tích tối thiểu là 50m2. Quy định mới khiến giấc mơ sở hữu đất ở Thủ đô của một số người trở nên xa vời hơn. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính khả thi của chính sách trong việc tạo điều kiện tiếp cận nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp.
Đối với những người mua nhà có thu nhập trung bình, quy định mới này có thể là một trở ngại lớn. Để sở hữu một thửa đất có diện tích 50m2, người mua cần chuẩn bị ít nhất 3 tỷ đồng. Trong khi đó, với quy định cũ (30m2), người dân cần 1,8 tỷ đồng để sở hữu mảnh đất.
Tuy nhiên, từ góc nhìn khác, việc tăng diện tích tối thiểu lên 50m2 có thể mang lại những lợi ích lâu dài về quy hoạch đô thị và quản lý dân cư. Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa của Hà Nội ngày càng cao, sự gia tăng dân số cơ học đang gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, từ giao thông đến các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục.
Một trong những nguyên nhân là việc chia nhỏ thửa đất quá mức, dẫn đến mật độ dân cư tại các khu vực trung tâm ngày càng tăng cao. Việc quy định diện tích tối thiểu lớn hơn có thể góp phần giảm tốc độ gia tăng dân số cơ học, đồng thời tạo ra không gian sống thoáng đãng, đảm bảo chất lượng cuộc sống cao hơn cho cư dân. Quy định này còn giúp bảo vệ cảnh quan đô thị, tránh tình trạng xây dựng quá mức, phá vỡ cân bằng giữa phát triển đô thị và môi trường.
So sánh với các nước Đông Nam Á, quy định về diện tích tối thiểu khi tách thửa tại Việt Nam không phải là điều hiếm gặp.
Tại Thái Lan, các quy định về diện tích đất cũng khá chặt chẽ. Ở Bangkok, diện tích đất tối thiểu để chia nhỏ thường là khoảng 35 - 50m2, tùy thuộc vào luật phân vùng cụ thể và loại tài sản. Tại Indonesia, diện tích lô đất ở tối thiểu khác nhau tùy theo quận, nhưng ở các khu vực đô thị như Jakarta, diện tích đất ở có thể dao động từ 60 - 100m2.
Tại Malaysia cũng có những quy định tương tự, đặc biệt tại các thành phố như Kuala Lumpur. Tuy nhiên, cũng giống như Thái Lan và Singapore, Malaysia đã đẩy mạnh phát triển nhà ở công cộng và các dự án đô thị vệ tinh để giảm bớt áp lực nhà ở tại các thành phố lớn. Các nước này đều chú trọng tới việc cung cấp nhiều nhà ở xã hội, đảm bảo người dân có nhiều lựa chọn tiếp cận nhà ở với giá cả phải chăng.
Việc áp dụng quy định mới tại Hà Nội có thể là bước đi đúng đắn trong việc kiểm soát tốc độ phát triển đô thị, giảm bớt áp lực lên cơ sở hạ tầng và duy trì chất lượng sống cho cư dân. Tuy nhiên, chính quyền thành phố cũng cần cân nhắc việc triển khai thêm các dự án nhà ở xã hội, phát triển các khu vực vệ tinh và tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp có thể tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn. Thành phố cần công bố kế hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn, có dự án bài bản để tạo ra sản phẩm bất động sản chính thống thay cho những sản phẩm “phân lô” ngắn hạn.
Có thể thấy rõ những lợi ích từ quy định này đối với quy hoạch đô thị và hạ tầng, tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với người dân có thu nhập trung bình và thấp. Sự cân bằng giữa phát triển và khả năng tiếp cận nhà ở sẽ là yếu tố quyết định trong việc thành công của chính sách này.