Bão Helene mang dấu ấn của khủng hoảng khí hậu
Thành phố lịch sử được ca ngợi là “thiên đường khí hậu” của tiểu bang Bắc Carolina (Mỹ) cũng đã trở thành một đống đổ nát sau khi bão Helene đổ bộ, gây lũ lụt thảm khốc.
Nằm giữa dãy núi Blue Ridge thanh bình ở phía Tây tiểu bang Bắc Carolina (Mỹ) và cách xa bất kỳ bờ biển nào, thành phố Asheville được ca ngợi là “thiên đường khí hậu” khi tránh khỏi thời tiết khắc nghiệt. Giờ đây, thành phố lịch sử này đã bị tàn phá và cô lập bởi trận lũ lụt thảm khốc do bão Helene gây ra, một sự nhấn mạnh về phạm vi không giới hạn của cuộc khủng hoảng khí hậu tại Mỹ.
Bão Helene - cơn bão cấp 4 đổ bộ vào bờ biển phía Tây Florida hôm 26/9 - đã mang đến cảnh hoang tàn cho một vùng của tiểu bang đã trải qua 3 cơn bão tương tự trong 13 tháng qua, san phẳng những ngôi nhà ven biển và đẩy thuyền vào đất liền.
Khi cơn bão với sức gió đạt đỉnh 225 km/giờ tạo ra một cung đường tàn phá về phía Bắc, nó đã phá hủy nhiều khu vực ở các tiểu bang chưa từng chứng kiến những tác động như vậy, xóa sổ các thị trấn nhỏ, quật đổ cây cối, phá hủy những ngôi nhà trong nước lũ, khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng mất điện và biến những con đường chính thành sông.
Theo Guardian, tính đến thời điểm này, hơn 150 người đã tử vong ở 5 tiểu bang của Mỹ, trong đó gần 1/3 số ca tử vong xảy ra ở hạt có thành phố Asheville - một thành phố có kiến trúc lịch sử, được ca ngợi là một nơi có thể tránh khỏi thời tiết khắc nghiệt.
Hiện tại, các xa lộ chính vào Asheville đã bị cắt đứt do lũ lụt, trung tâm thành phố ngập đầy bùn đất và các mảnh vỡ, trở thành nơi khan hiếm sóng điện thoại di động, xăng và thực phẩm. Nguồn cung cấp nước cũng như đường sá dự kiến sẽ bị ảnh hưởng trong nhiều tuần. Theo ông Roy Cooper - Thống đốc Bắc Carolina, đây là “thảm kịch chưa từng có”.
“Mọi người đều nghĩ đây là nơi an toàn, nơi bạn có thể chuyển đến cùng con cái trong thời gian dài, vì vậy đây là điều không thể tưởng tượng được, nó thật thảm khốc” - cô Anna Jane Joyner, một nhà vận động khí hậu ở khu vực Asheville - cho biết.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc Asheville sẽ bị xóa sổ. Tôi đã làm việc trong phong trào khí hậu trong 20 năm và cảm thấy như mình đang sống trong một bộ phim mà mình đã tưởng tượng khi bắt đầu. Không nơi nào là an toàn” – cô Joyner nói.
Theo cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, thiệt hại do bão Helene gây ra là “lời nhắc nhở kinh hoàng và đáng sợ về những cách mà cuộc khủng hoảng khí hậu có thể thúc đẩy thời tiết khắc nghiệt”. Bão mạnh lên nhờ nhiệt độ trong đại dương và khí quyển, và Helene - một trong những cơn bão lớn nhất từng được ghi nhận - đã di chuyển nhanh qua Vịnh Mexico, nhanh chóng chuyển từ bão cấp 1 sang bão cấp 4 chỉ trong một ngày.
Nhiệt độ cao không chỉ giúp bão quay nhanh hơn mà còn giữ nhiều hơi ẩm trong khí quyển hơn, sau đó giải phóng thành dòng nước lũ ở những nơi như phía Tây Bắc Carolina, nơi có lượng mưa bằng một tháng chỉ trong vài ngày. Helene là cơn bão cấp 4 thứ 8 tấn công nước Mỹ kể từ năm 2017. Đây cũng là con số cơn bão cực đoan tương tự tấn công nước Mỹ trong 57 năm trước.
Bà Kathie Dello, nhà khí tượng học của tiểu bang Bắc Carolina cho biết, cơn bão này mang dấu ấn của biến đổi khí hậu. Đại dương ấm lên và nước ngày càng dâng cao, có rất nhiều nước trong khí quyển. “Thật không may, nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của chúng tôi đã trở thành sự thật. Bão Helene đã bị biến đổi khí hậu thúc đẩy và chúng ta có thể phải chứng kiến nhiều cơn bão như thế này trong tương lai” – bà Dello nói.
“Tôi nghĩ là không thể đi đâu để thoát khỏi biến đổi khí hậu. Mọi nơi đều có rủi ro. Thật sự rất đau lòng khi phải chứng kiến những nơi được yêu thích bị tàn phá. Nhưng chúng ta không thể chỉ xây dựng lại như trước đây mà cần tính đến những giải pháp ứng phó với lũ lụt” – bà Dello bày tỏ.
Tại Asheville, khu vực lịch sử Biltmore Village đã bị nhấn chìm dưới nước, trong khi đó, trung tâm dữ liệu khí hậu hàng đầu của Mỹ đã ngừng hoạt động. Người phát ngôn của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho biết, cơn bão đã gây ra thảm họa cho người dân Asheville khi cơ sở của Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia đã mất nguồn cung cấp nước và đã đóng cửa.
“Ngay cả những người an toàn về mặt thể chất cũng không có điện, nước hoặc kết nối di động”- người phát ngôn của NOAA cho biết khi nói về nỗ lực liên lạc với đội ngũ nhân viên bị mắc kẹt của trung tâm.
Sự tàn phá có thể phủ bóng đen lên danh xưng “thiên đường khí hậu” của Asheville, nhưng có lẽ nó sẽ không ngăn cản được xu hướng lớn tại Mỹ, khi mọi người thường đổ xô đến một số nơi có nguy cơ cao nhất trước nắng nóng, bão và các tác động khí hậu khác do điều kiện nhà ở và việc làm sẵn có.
Ông Jesse Keenan - một chuyên gia về thích ứng với khí hậu tại Đại học Tulane – cho rằng, trận lũ này có thể sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển ở Asheville, sẽ có một số người không có xu hướng hoặc không đủ khả năng xây dựng lại nhà cửa, khi đó, tài sản của họ sẽ được mua lại bởi những người giàu có, đủ khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng tư nhân và các tòa nhà được trang bị khả năng phục hồi để chống chọi với lũ lụt.
Theo nhà khí tượng học Dello, sẽ mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để các cộng đồng, đặc biệt là ở những vùng nông thôn nghèo của tiểu bang Bắc Carolina có thể phục hồi. Điều này làm trầm trọng thêm tác động của những cơn bão trước đó như Florence năm 2018 và Fred năm 2021, đặt ra những câu hỏi lớn về cách thức tái thiết (nếu có).