Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Ireland Michael Higgins
Tổng thống Michael Higgins đánh giá cao đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam; khẳng định coi trọng vị thế và vai trò của Việt Nam tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ireland từ ngày 1-3/10 theo lời mời của Tổng thống Ireland Michael Higgins, sáng 2/10 (theo giờ địa phương), sau lễ đón chính thức được tổ chức trang trọng tại Phủ Tổng thống, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Michael Higgins đã đồng chủ trì hội đàm giữa Đoàn đại biểu cấp cao hai nước.
Tại hội đàm, Tổng thống Michael Higgins nhiệt liệt hoan nghênh chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Ireland; đánh giá cao đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam; khẳng định coi trọng vị thế và vai trò của Việt Nam tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; nhấn mạnh hai nước có nhiều điểm tương đồng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và không có lĩnh vực nào, chủ đề nào mà hai bên không thể trao đổi, hợp tác.
Tổng thống Michael Higgins nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm của ông tới Việt Nam vào năm 2016 và bày tỏ ấn tượng về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế, cũng như các nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong những năm vừa qua; chia sẻ với Việt Nam về những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi) gây ra vừa qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn Tổng thống Michael Higgins về sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Ireland; đánh giá cao việc Chính phủ Ireland đã dành cho Việt Nam vị trí ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển trong khuôn khổ chiến lược “Ireland toàn cầu: Triển khai hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến năm 2025”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn Ireland tiếp tục cung cấp hỗ trợ phát triển cho Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên như tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển bền vững.
Nhằm tăng cường tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, tích cực triển khai các cơ chế hợp tác hiện có.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vui mừng thông báo Chính phủ Việt Nam đã quyết định và đang triển khai các thủ tục thành lập Đại sứ quán Việt Nam tại Ireland. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ tin tưởng quyết định này sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.
Về hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, hai nhà lãnh đạo khẳng định đây là trụ cột hợp tác quan trọng và đang phát triển tích cực khi kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,5 tỷ USD năm 2024. Hai bên cần tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thúc đẩy kết nối thương mại-đầu tư, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước; phấn đấu nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 5 tỷ USD vào năm 2026 nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tổng thống Ireland nhấn mạnh Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Ireland và dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn; ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc đẩy nhanh quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) nhằm mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Ireland; mong muốn Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thực phẩm chất lượng cao của Ireland.
Hai bên hoan nghênh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục, Đại học, Nghiên cứu, Đổi mới và Khoa học Ireland thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược về Giáo dục đại học, cũng như việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và các đại học hàng đầu của Ireland. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng đây là lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa hai nước, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và gắn kết nhân dân hai nước, hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa-nghệ thuật, du lịch, hợp tác giữa các địa phương.
Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sống và làm việc, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của nhau, phát huy vai trò cầu nối cho quan hệ hữu nghị hai nước.
Trong khuôn khổ hội đàm, hai bên đã trao đổi sâu về các vấn đề an ninh khu vực cùng quan tâm như tình hình Ukraine, Trung Đông..., kêu gọi các bên bảo vệ thường dân, tiến hành đối thoại, giải quyết xung đột bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc; nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương như ASEAN-EU, Liên hợp quốc..., trong nhiều lĩnh vực như ứng phó với các thách thức toàn cầu, biến đối khí hậu, an ninh lương thực, bảo đảm chuỗi cung ứng...
Hai bên ủng hộ lập trường của ASEAN trong vấn đề Biển Đông về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.