Kiểm toán nhà nước: Nghiêm cấm việc không phản ánh hoặc bỏ sót kết quả kiểm toán
Ngày 1/10, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký ban hành Chỉ thị số 1671/CT-KTNN về thực hiện một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN).
Theo đó, một trong những nội dung chỉ đạo mới nhất của Tổng Kiểm toán nhà nước là nghiêm cấm việc không phản ánh hoặc bỏ sót kết quả kiểm toán. Đặc biệt, khi có phát hiện kiểm toán quan trọng thì dựa trên cơ sở pháp luật, chuẩn mực kiểm toán nhà nước, các quy định của ngành phải báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền và đi tới tận cùng của vấn đề để thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ củng cố vững chắc cho các phát hiện, kiến nghị kiểm toán.
Kịp thời khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng kiểm toán
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, thời gian qua, KTNN đã có nhiều đổi mới trong hoạt động và thực hiện các giải pháp để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của đội ngũ công chức, kiểm toán viên, nhất là quán triệt và tổ chức thực hiện nhất quán phương châm “Chất lượng và đạo đức công vụ” trong toàn ngành.
Kết quả hoạt động kiểm toán ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu về hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và kịp thời phục vụ cho việc quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; qua đó, khẳng định rõ hơn uy tín, vị thế của KTNN trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, chất lượng của hoạt động kiểm toán nói chung và của một số báo cáo kiểm toán nói riêng còn có hạn chế nhất định. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, nguyên nhân của những hạn chế này do cả khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của một số đơn vị chưa thật sâu sát, chưa chủ động, sáng tạo và linh hoạt; chưa quan tâm và làm tốt các quy định của KTNN trong tổ chức thực hiện kiểm toán; năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số kiểm toán viên còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh, xu thế phát triển hiện nay.
Để kịp thời khắc phục các hạn chế và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ký ban hành Chỉ thị số 1671/CT-KTNN ngày 1/10/2024 về thực hiện một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN. Nội dung Chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành phải thường xuyên quán triệt, học tập và triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định… của KTNN như Chỉ thị số 1346/CT-KTNN ngày 28/10/2022 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ; Chỉ thị số 406/CT-KTNN ngày 31/1/2024 về việc tổ chức thực hiện KHKT năm 2024; Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước; Quy trình kiểm toán và các quy định, hướng dẫn có liên quan trong hoạt động kiểm toán.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Cùng với việc yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đưa ra những yêu cầu quan trọng đối với thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán.
Theo đó, thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải bám sát chỉ đạo của Ban cán sự đảng KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc tổ chức thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để lựa chọn đúng, trúng các chủ đề kiểm toán; trong đó, đặc biệt quan tâm đến các vấn đề nóng, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và lãng phí, các vấn đề được Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm để xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) khoa học, có trọng tâm, trọng điểm gắn với mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán. Thủ trưởng các đơn vị cũng cần bố trí nhân sự, thời gian thích hợp cho công tác thẩm định dự thảo KHKT; chỉ đạo tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán thực hiện nghiêm và đầy đủ các quy định; chỉ đạo trưởng đoàn kiểm toán thực hiện đầy đủ các quy trình kiểm toán, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, kiếm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…
Với các trưởng đoàn kiểm toán, một mặt được yêu cầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trong công tác khảo sát thu thập thông tin, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán để phân tích, đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán phù hợp. Trên cơ sở đó, xác định thứ tự ưu tiên các mục tiêu, nội dung kiểm toán gắn với bối cảnh cụ thể của từng cuộc kiểm toán để dự kiến bố trí nhân sự, thời gian, phạm vi và phương pháp, thủ tục kiểm toán trong kế hoạch kiếm toán tổng quát, nhất là phải coi trọng chất lượng kiểm toán, tránh tình trạng dàn trải chạy theo số lượng đầu mối kiểm toán. Mặt khác, trưởng đoàn kiểm toán phải thường xuyên chỉ đạo sâu sát, bao quát, kịp thời các tổ kiểm toán; thực hiện nghiêm Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và các hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình kiểm toán; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung kiểm toán tại các cơ quan, bộ phận đầu mối tổng hợp của đơn vị được kiểm toán; chỉ đạo thực hiện kiểm toán nhân rộng các phát hiện, kết quả kiếm toán (nếu tương đồng) để tăng quy mô mẫu chọn, bảo đảm tính thuyết phục của bằng chứng kiểm toán và kiến nghị thống nhất trong toàn đoàn kiểm toán.
Tổ trưởng tổ kiểm toán phải coi trọng việc lập KHKT chi tiết, trong đó, lưu ý đến việc xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán và phân công công việc cho kiểm toán viên phải gắn với đặc điểm hoạt động của đơn vị được kiểm toán và năng lực của kiếm toán viên; quan tâm, chú trọng chỉ đạo, soát xét và hướng dẫn kiểm toán viên thực hiện chọn mẫu kiếm toán, thu thập bằng chứng kiểm toán và ghi chép trên tài liệu làm việc của kiểm toán viên kịp thời, đầy đủ, đúng quy định của Ngành, nghiêm cấm việc không phản ánh hoặc bỏ sót kết quả kiểm toán. Đặc biệt, khi có phát hiện kiểm toán quan trọng thì dựa trên cơ sở pháp luật, chuẩn mực kiểm toán nhà nước, các quy định của Ngành phải báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền và đi tới tận cùng của vấn đề để thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ củng cố vững chắc cho các phát hiện, kiến nghị kiểm toán.
Các đơn vị vào cuộc ngay sau khi nhận chỉ thị
Ông Hoàng Văn Lương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) nhận định, với phương châm “gọn nhưng chất lượng” nhằm đạt mục tiêu “chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa”, thời gian qua, KTNN đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ khâu xây dựng KHKT, tổ chức thực hiện kiểm toán đến theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Qua đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Lương, trong công tác xây dựng KHKT, nhất là khâu lựa chọn đơn vị, đầu mối kiểm toán tổng hợp, kiểm toán chi tiết vẫn còn bất cập, ảnh hưởng phần nào đến chất lượng kiểm toán. Bởi vậy cần thiết ngành phải có Hướng dẫn về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn đầu mối kiểm toán tổng hợp, kiểm toán chi tiết.
Vì thế, ngay sau khi Chỉ thị số 1671/CT-KTNN ban hành, lãnh đạo Vụ Tổng hợp đã họp và phân công các phòng trực thuộc tập trung nguồn lực, ưu tiên triển khai nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc KTNN xây dựng Hướng dẫn về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn đầu mối kiểm toán để sớm trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành và áp dụng ngay khi triển khai KHKT năm 2025 - ông Hoàng Văn Lương cho biết.
“Dự kiến Hướng dẫn về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn đầu mối kiểm toán sẽ tập trung vào các tiêu chí khi lựa chọn đơn vị, đầu mối kiểm toán: phải phù hợp với mục tiêu, trọng tâm và nội dung kiểm toán theo định hướng xây dựng KHKT năm, KHKT trung hạn của KTNN, đảm bảo thực hiện đạt các mục tiêu kiểm toán, nội dung kiểm toán của KHKT tổng quát; được đánh giá có rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát cao; được Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương và dư luận xã hội quan tâm; có quy mô lớn so với các đơn vị kiểm toán khác; chưa được kiểm toán hoặc có khoảng cách thời gian dài kể từ lần kiểm toán trước hoặc phải kiểm toán thường xuyên, định kỳ theo quy định” - ông Hoàng Văn Lương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp
Với nhiệm vụ vừa được giao chủ trì nghiên cứu sửa đổi Quy định về tiêu chí thang điểm, đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại thành viên đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và đoàn kiếm toán nhà nước cho phù hợp; xây dựng Mẫu bộ câu hỏi để đơn vị được kiểm toán đánh giá khách quan, công tâm, thẳng thắn về đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán sau khi kết thúc cuộc kiểm toán, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ và KSCLKT) coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 - ông Nguyễn Lương Thuyết, Vụ trưởng Vụ CĐ và KSCLKT cho biết.
“Tới đây, Vụ sẽ phối hợp với các đơn vị trực thuộc KTNN xây dựng Mẫu bộ câu hỏi làm sao bao quát, phù hợp với thực tiễn và đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước để trên cơ sở đó các đơn vị được kiểm toán đánh giá khách quan, công bằng, thẳng thắn đối với các đoàn, tổ kiểm toán. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành dự thảo ngay trong tháng 10/2024” - ông Nguyễn Lương Thuyết, Vụ trưởng Vụ CĐ và KSCLKT
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, các tiêu chí thang điểm phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán, phải cụ thể, chi tiết để khuyến khích các kiểm toán viên, các đoàn, tổ kiểm toán nâng cao chất lượng kiểm toán; đánh giá thực chất, khách quan chất lượng hoạt động của các đoàn, tổ kiểm toán, Vụ CĐ và KSCLKT đã cơ bản hoàn thành dự thảo Quy định để gửi lấy ý kiến của các đơn vị. Trên cơ sở đó, vụ sẽ hoàn thiện, gửi Vụ Pháp chế thẩm định, gửi xin ý kiến các lãnh đạo KTNN trước khi trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành.
Đồng thời, ngay sau khi Chỉ thị 1671/CT-KTNN ban hành, sáng ngày 2/10, Vụ CĐ và KSCLKT đã họp các lãnh đạo và thành lập 1 tổ nghiên cứu để xây dựng mẫu bộ câu hỏi.