Mặt trận

Vận dụng linh hoạt chính sách dân tộc vào cuộc sống

Linh Nhi 03/10/2024 14:06

Với sự vận dụng linh hoạt các chính sách dân tộc vào thực tiễn đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó, tạo động lực to lớn để đồng bào DTTS nỗ lực phấn đấu vươn lên, phát triển bền vững, hòa cùng với sự phát triển chung của cả nước.

hieuqua-1695087004031.jpg
Cuộc sống người dân thay đổi tích cực nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc ở vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Anh Khoa.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng chính sách cho vùng DTTS và miền núi với chủ trương nhất quán, đẩy nhanh phát triển về mọi mặt. Từ chủ trương đó, nhiều chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được ban hành. Hiệu quả của các chính sách giúp đồng bào DTTS phát triển thời gian qua phải kể tới Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719). Đây là Chương trình mang tính tổng thể đang phát huy các nguồn lực tạo ra nhiều cơ hội cho đồng bào DTTS nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Trong giai đoạn 2021-2023, các nội dung thành phần của Chương trình đã đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tại địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong những năm qua, với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, kết quả thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc đã đem lại nhiều hiệu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi được đầu tư xây dựng cơ bản. Tỉnh đã xây dựng 96 công trình giao thông, 8 công trình nước sinh hoạt, 9 nhà sinh hoạt cộng đồng, 7 công trình thủy lợi và một số công trình khác. Có 4 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 165 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, 190 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; hoàn thành 7 công trình định canh định cư và khởi công xây mới 6 hạng mục công trình thuộc các điểm định canh định cư.

Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh còn phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 và UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện và các quyết định giao kế hoạch vốn.

uploaded-thuphuongbna-2024_05_02-_bna-lanh-dao-tinh-va-ban-dan-toc-nghe-an-kiem-tra-cong-trinh-thuoc-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-tren-dia-ban-huyen-quy-chau-anh-thu-huong-2549.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Dân tộc Nghệ An kiểm tra công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thu Hương.

Còn tại tỉnh Nghệ An, thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung của Dự án 1, thuộc Chương trình MTQG 1719, người dân ở bản Đông Thọ, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn rất vui mừng phấn khởi. Các công trình này do UBND huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư với số tiền 3,1 tỷ đồng. Hiện công trình đã đưa vào sử dụng chạy thử. Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện các chính sách dân tộc, công tác dân tộc kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định. Chú trọng công tác triển khai có hiệu quả và đôn đốc giải ngân kịp thời các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được giao. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng đồng bào DTTS có sự chuyển biến rõ nét.

Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng; hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư; hệ thống lưới điện được tiếp tục đầu tư nâng cấp; các công trình y tế được cải tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang hơn... Bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng miền Tây giảm 3-4%/năm (riêng các huyện 30a, những năm gần đây giảm bình quân 6%/năm).

Có thể thấy, từ những chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống đã trở thành căn cứ quan trọng để xây dựng, hoạch định, giám sát thực hiện công tác dân tộc và nâng cao phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào DTTS miền núi trong tương lai.

Linh Nhi