Chính trị

Hà Nội: Hơn 100 nghìn cây bị gẫy, đổ, thiệt hại về nông nghiệp trên 2.286 tỷ đồng

Việt Thắng 03/10/2024 17:04

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, do ảnh hưởng của Bão Yagi, có trên trên 100.000 cây bị gẫy, đổ (bao gồm cây đô thị và các loại cây khác). Lúa bị gẫy, đổ, dập nát trên 23.000 ha; lúa bị ngập trên 15.000 ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng trên 13.000 ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng trên 9.000 ha.

Chiều 3/10, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế xã hội quý III năm 2024. Tại cuộc họp, báo cáo về công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn thành phố Hà Nội (tính đến ngày 30/9/2024), ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hoàn lưu sau bão số 3 gây mưa lớn trên diện rộng, kết hợp với xả lũ của hệ thống hồ thủy điện thượng nguồn đã làm cho nước lũ của hầu hết các tuyến sông trên địa bàn Thành phố lên rất nhanh và ở mức cao, đã gây ra đợt gập lụt nghiêm trọng.

Đến nay, theo ông Hoa, mực nước các hồ thủy lợi, các trục tiêu lớn và một số sông nội địa trên địa bàn thành phố vẫn đang ở mức cao. Cụ thể, mực nước sông Tích, sông Bùi, sông Đáy đang biến đổi chậm (sông Tích, sông Bùi vẫn ở mức báo động III, sông Đáy báo động I). Mực nước các sông chính và một số sông nội địa đều đã giảm dưới báo động I.

z5892422357410_5edba337afa4b106f4a89658efc5f09d.jpg
Ông Nguyễn Đình Hoa thông tin với báo chí

Cũng theo ông Hoa, do ảnh hưởng của đợt mưa bão, thiên tai vừa qua, trên địa bàn Thành phố đã có những thiệt hại về người (4 người chết và 28 người bị thương; trong đó có 1 người chết và 10 người bị thương trong bão; còn lại là do trận dông lốc, cây đổ từ chiều ngày 6/9 và do các sự cố sau bão). Tình hình thiệt hại trong trên toàn địa bàn Thành phố cập nhật 7h00 ngày 26/9 có cây bị gẫy, đổ là trên 100.000 cây (bao gồm cây đô thị và các loại cây khác). Lúa bị gẫy, đổ, dập nát trên 23.000 ha; lúa bị ngập trên 15.000 ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng trên 13.000 ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng trên 9.000 ha, thủy sản bị ảnh hưởng trên 4.000 ha. Trên 3.000 con gia súc bị chết; trên 600.000 con gia cầm bị chết, thất lạc xảy ra 41 sự cố công trình đê điều và khoảng 150 sự cố công trình thủy lợi cùng các sự cố, ảnh hưởng khác về ngập lụt.

Về công tác sơ tán dân ứng phó với mưa, lũ, ngập lụt, báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cũng cho thấy, cập nhật đến ngày 30/9 đã có gần 75.000 người trở về trên tổng số 78.000 người dân sơ tán, di dời. Còn lại khoảng hơn còn trên 3.000 người dân vẫn còn phải sơ tán do ngập lụt chủ yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

“Bão số 3 gây ra tổng số 1.232 sự cố lớn nhỏ về chiếu sáng đô thị, đã xử lý xong 1.212/1.232 sự cố ảnh hưởng đến hệ thống chiếu sáng công cộng. Các sự cố về hệ thống chiếu sáng đang được khẩn trương khắc phục đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng đô thị trên 98%. Hệ thống chiếu sáng sử dụng nguồn điện độc lập với hệ thống điện của đèn tín hiệu giao thông nên không làm ảnh hưởng đến công tác đảm bảo giao thông”, ông Hoa cho hay.

UBND Thành phố đã ban hành các quyết định bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, sở ngành để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn Thành phố là 220,87 tỷ đồng.

Công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả theo chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố: Tính đến 16h ngày 22/9/2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tổ chức tiếp nhận với tổng số tiền đăng ký và ủng hộ là: 177,646 tỷ đồng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố đã hỗ trợ với tổng số tiền là 101,84 tỷ đồng (hỗ trợ nhân dân Thủ đô 15,9 tỷ đồng, hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại 85,94 tỷ đồng) và nhiều nhu yếu phẩm cho Nhân dân bị ảnh hưởng và tại các khu tạm cư tập trung.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục triển khai đồng thời các hoạt động khắc phục hậu quả, sự cố, dọn dẹp, vệ sinh môi trường; rà soát, đánh giá, hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai theo quy định.

Đối với công tác đê điều, thủy lợi, các công trình bị ảnh hưởng, sạt lở, lún sụt sẽ được kiểm tra, rà soát, đánh giá; những công trình cần phải xử lý ngay sẽ tham mưu UBND Thành phố ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp. Những công trình khác sẽ đưa vào kế hoạch cải tạo, sửa chữa, đầu tư, nâng cấp. Các trạm bơm tiêu sẽ hoạt động theo kế hoạch để giảm các diện tích đang bị ngập úng. Đặc biệt lưu tâm, rút kinh nghiệm đối với những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản liên quan đến gió, bão, ngập lụt, sạt lở đất thời gian qua; chú trọng đến các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập, lụt, lũ rừng ngang: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội thì ước tính thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão là trên 2.286 tỷ đồng. Khắc phục sản xuất nông nghiệp sau bão, thành phố đã tập trung thu hoạch lúa mùa, triển khai vụ Đông, diện tích gieo trồng cây rau màu 203,3 ha đạt 0,7% so với kế hoạch.

Việt Thắng