Xã hội

Hải Phòng: Vướng mắc trong hỗ trợ nông nghiệp phục hồi sau bão

Phương Thanh 03/10/2024 17:41

Đó là khẳng định của ông Vũ Bá Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hải Phòng tại hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí được tổ chức chiều 3/10.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 30/9, ước tính thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với ngành nông nghiệp TP Hải Phòng là trên 4.800 tỷ đồng. Nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh bị gãy đổ, hư hại. Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, lồng bè bị thiệt hại. Nhiều trang trại chăn nuôi bị ảnh hưởng; gia súc, gia cầm chết. Nhiều diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng ngập mặn, rừng phi lao, rừng trồng đồi núi, rừng mới trồng của các dự án trồng rừng bị gãy, đổ, bị sóng biển đánh bay.

1.jpg
Nông dân trồng đào cảnh tại xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP Hải Phòng bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3.

Đến nay, Sở NN&PTNT TP Hải Phòng đang phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê và hướng dẫn xây dựng hồ sơ hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 3/2/2027 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (viết tắt là Nghị định số 02).

Trong quá trình các quận, huyện trên địa bàn TP Hải Phòng triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai theo Nghị định số 02 đã phát sinh nhiều bất cập.

3.jpg
Người dân nuôi trồng thủy sản tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng bị thiệt hại nhiều về cơ sở vật chất.

Theo quan điểm của Sở NN&PTNT, về đối tượng hỗ trợ, Nghị định số 02 ban hành từ năm 2017, do đó có một số khái niệm về cây trồng, vật nuôi thuộc nội dung trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản chưa phù hợp với Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Chăn nuôi năm 2018, Luật Thủy sản năm 2017 dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Một số loại cây trồng, vật nuôi, hình thức nuôi chưa được quy định trong Nghị định số 02 nhưng lại được thống kê thiệt hại theo Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNN&PTNT-BKH&ĐT ngày 23/11/2015, dẫn đến khó khăn trong công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất.

Nghị định số 02 được xây dựng từ năm 2017 với mức hỗ trợ thấp và không phù hợp với thời điểm hiện tại. Hiện nay, chi phí sản xuất, giá thị trường thay đổi theo chiều hướng tăng lên rất nhiều so với trước đây nên mức hỗ trợ trong Nghị định số chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu cho việc khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiên tai.

Lấy dẫn chứng về mức hỗ trợ không phù hợp, ông Vũ Bá Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Đối với cây trồng chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, không thể trồng, cấy lại do đã quá khung thời vụ, mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/ha lúa bị thiệt hại trên 70%. Trong khi đó, chi phí trồng, chăm sóc cho 1 ha lúa thuần hiện nay là khoảng 35-40 triệu đồng/ha. Mức hỗ trợ tại Nghị định bằng khoảng 5-6% chi phí sản xuất thực tế, do đó chưa tạo động lực khuyến khích tối đa các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất.

5.jpg
Ông Vũ Bá Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hải Phòng phát biểu tại hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí được tổ chức chiều 3/10.

Đối với nuôi thủy sản, Nghị định số 02 chưa quy định hỗ trợ đối với đối tượng, hình thức nuôi như thâm canh, bán thâm canh, quảng canh, nuôi hồ chứa, nuôi đăng quầng; chưa quy định cụ thể về khoảng cách với nuôi ngoài biển; chưa quy định mức hỗ trợ đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng bè tại vùng nước lợ, vùng cửa sông, vùng eo, ốc, vịnh, đầm phá nước mặn....

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, TP Hải Phòng đã đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02. Hiện, Sở NN&PTNT đang chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù của TP Hải Phòng để hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Phương Thanh