Chặn lệch chuẩn trong trường học
Chỉ mới vào đầu năm học, nhưng không ít vụ việc ứng xử chưa phù hợp trong môi trường giáo dục đang khiến dư luận vô cùng bất bình. Sự lệch chuẩn ấy nếu không được “tuýt còi” kịp thời, sẽ dẫn tới sự lệch hướng trong hành vi và nhân cách khi người trẻ đang trong quá trình trưởng thành.
Đa phần những sự việc cá biệt xảy ra trong môi trường học đường như tình huống tại Hà Nội vừa qua, nữ giáo viên trẻ có cử chỉ thân mật, phản cảm với nam sinh THPT đã được nhà trường, ngành giáo dục địa phương xử lý nghiêm khắc, đảm bảo tính giáo dục, tính nhân văn. Song những trường hợp như thế này vẫn tạo ra luồng quan điểm trái chiều, những bình luận không tốt trên các diễn đàn, tác động tới tâm lý và tình cảm của học sinh; đồng thời cũng gây tổn thương tới danh dự, tâm huyết nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo nói chung.
Lâu nay, bên cạnh sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận học sinh thì đáng buồn là cũng có những sự việc ảnh hưởng đến hình ảnh của người thầy, như: bạo lực với học trò, thiếu trong sáng trong nâng đỡ và đánh giá học sinh, lạm dụng chủ trương xã hội hóa… gây phẫn nộ trong dư luận.
Những hành vi không đúng chuẩn dù xuất phát từ phía giáo viên hay học sinh đều cần có sự nhắc nhở, thậm chí xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe. Chỉ như vậy mới giữ được sự tôn nghiêm, truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà môi trường giáo dục trong xã hội nào cũng cần phải có, từ đó giúp mục tiêu giáo dục đi vào thực chất.
Trước tình trạng văn hóa ứng xử học đường chuệch choạc thời gian qua - nhìn từ phía người thầy, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, hiện việc đào tạo về đạo đức cho giáo sinh không được chú ý nhiều trong các chương trình đào tạo. Thậm chí, ngay cả đối với giáo viên đã ra trường, ngành giáo dục cũng chỉ chú ý đến việc đào tạo kiến thức, mà không có sự rèn luyện về đạo đức phẩm chất và hành vi ứng xử của giáo viên.
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần tăng thời gian hội nhập nghề nghiệp trong chương trình đào tạo giáo viên ở các trường, để các sinh viên ngành sư phạm có thể thực tập ngay khi ở kì I của năm thứ 2 nhằm làm quen với môi trường giáo dục và xử lý các tình huống thực. Vấn đề đào tạo về mặt đạo đức giáo dục không thể chỉ dạy trên lý thuyết, gói gọn trong những bài giảng giới hạn ở một vài tín chỉ mà việc này cần cả quá trình rèn luyện lâu dài.
Trong môi trường học đường, vai trò, tinh thần, trách nhiệm của người thầy trở nên quan trọng hơn cả. Bởi mỗi giáo viên không chỉ đơn thuần là người truyền đạt tri thức mà còn là người vun đắp cả tâm hồn cho học sinh. Để ngăn chặn hành vi lệch chuẩn trong môi trường giáo dục, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT.
Thông tư này quy định: Giáo viên các cấp thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ GDĐT về đạo đức nhà giáo...
Đây chính là định hướng để những người làm việc trong môi trường giáo dục rèn luyện, tu dưỡng, xứng đáng với sự tôn trọng và kỳ vọng của toàn xã hội.
Đáng tiếc là biểu hiện lệch chuẩn như đã nói trên không phải là mới xuất hiện. Cùng đó, nguyên nhân của các hiện tượng này cũng từng được phân tích, chỉ ra. Tuy nhiên, vì thiếu hành động quyết liệt, đồng bộ từ các cơ quan chức năng và cả bản thân ngành giáo dục nên những tiêu cực chưa được giải quyết triệt để, gây tác động xấu đến môi trường giáo dục, khiến phụ huynh và học sinh ít nhiều mất lòng tin.
Khi giáo viên có những hành vi phản giáo dục mà không bị nhà trường, ngành giáo dục xử lý triệt để, sẽ rất dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực của xã hội. Hơn ai hết, mỗi giáo viên cần tự ý thức để trở thành tấm gương về đạo đức, nghề nghiệp, chuẩn mực - trước hết là trong ứng xử với học sinh thời công nghệ 4.0.