Đưa chính sách gần hơn với đồng bào dân tộc thiểu số
Để thực hiện tốt chính sách dân tộc, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Điện Biên đã tích cực tập trung triển khai quyết liệt, sâu rộng các chính sách trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, đời sống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao.
Triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào DTTS, tỉnh Điện Biên luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Vì vậy, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), giai đoạn 2021 - 2023 đã giúp tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS trung bình mỗi năm giảm hơn 6%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt hơn 78%; tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt hơn 93%... Từ giai đoạn cuối năm 2023 đến tháng 6/2024, với tổng kinh phí được giao hơn 1.274 tỷ đồng, tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện 2 chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý, chỉ đạo và thực hiện 5 chính sách do các bộ, ngành Trung ương quản lý với tổng kinh phí được giao là khoảng 451 tỷ đồng.
Đặc biệt, khi thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021 – 2025 với 10 dự án và nhiều chính sách liên quan đến đồng bào DTTS, tỉnh Điện Biên bước đầu đạt được một số kết quả. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo sự thay đổi trong bộ mặt nông thôn miền núi và vùng DTTS trong tỉnh. Tiêu biểu như tại huyện Tủa Chùa, với đặc thù là huyện nghèo, vùng cao của tỉnh Điện Biên với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 70%.
Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, huyện Tủa Chùa đã triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719. Từ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Ông Lường Tuấn Anh - Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết, những năm qua, thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, huyện Tủa Chùa đã ban hành kế hoạch, giải pháp chỉ đạo điều hành gắn với thực hiện các Chương trình, dự án, chính sách dân tộc.
Theo đó, huyện đã triển khai các giải pháp huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ phát triển sản xuất, tích cực xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đồng bào DTTS… Nhờ đó, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.
Còn tại huyện Điện Biên Đông, đánh giá kết quả trong thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn huyện thời gian qua, ông Giàng A Tủa - Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông cho biết, toàn huyện có 6 dân tộc cùng sinh sống.
Trong đó, hơn 95% là đồng bào DTTS. Xác định chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Vì vậy, những năm qua, chính sách dân tộc luôn được huyện Điện Biên Đông chú trọng triển khai, thực hiện có hiệu quả việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho địa phương.
Từ việc triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào DTTS. Theo ông Giàng A Dình - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường giáo dục, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dân tộc nhằm triển khai đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc. Ngoài ra, Ban Dân tộc sẽ phối hợp, tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo nguồn lực tài chính, đề xuất cơ chế huy động, lồng ghép các nguồn lực trên địa bàn tỉnh để thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang được triển khai.