Chuyển đổi số văn hóa từ cơ sở dữ liệu: Còn lắm gian nan
Công nghệ mới được ứng dụng trong nhiều hoạt động, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm văn hóa. Tuy nhiên, hành trình này còn rất gian nan, từ cơ sở vật chất đến nguồn lực con người...
Hiện nay, Viện Phim Việt Nam đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa. Theo ThS Phạm Minh Trường (Viện Phim Việt Nam), nhằm mục đích lưu trữ, bảo quản lâu dài các tư liệu trên đồng thời khai thác, phổ biến rộng rãi tới công chúng, Viện đã có kế hoạch, lộ trình nhằm số hóa các tư liệu quý giá đó.
Tuy các trang thiết bị được đầu tư nhưng đến nay phần lớn đã lạc hậu. Công tác lưu trữ và quản lý dữ liệu vẫn còn thủ công do chưa có hệ thống lưu trữ dữ liệu chuyên dụng và phần mềm quản lý dữ liệu hiện đại, phù hợp với đặc thù công việc. Đó cũng là lý do trong 80.000 cuốn phim tại Viện phim, hiện mới chỉ số hóa được từ 600 - 700 cuốn.
Hay như trong lĩnh vực Bảo tàng, bà Lê Thị Lan Anh - Phó trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) bày tỏ, khối lượng hồ sơ về tài liệu, hiện vật của Bảo tàng rất lớn, chủ yếu là sổ sách, văn bản dạng giấy, được lưu giữ thủ công, gây khó khăn trong việc lưu trữ và mất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm phục vụ công tác chuyên môn, chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu tổng hợp, báo cáo tình hình, thông tin theo yêu cầu của lãnh đạo.
Ngoài ra, việc lưu trữ thủ công cũng dẫn đến mất mát, thất thoát, hư hỏng tài liệu, gây khó khăn trong công tác quản lý, tổng hợp dữ liệu cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu. Bà Lan Anh cho biết, trước thực trạng trên, Bảo tàng đã xây dựng phần mềm Quản lý hiện vật, phần mềm Quản lý thư viện và Quản lý phim ảnh phục vụ công tác quản lý. Nhưng sau một thời gian sử dụng phần mềm đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tương thích với tranh, ảnh; tốn thời gian thao tác trên cửa sổ nhập dữ liệu, bị lỗi khi nhập dữ liệu hiện vật và treo máy; hệ thống server máy chủ hỏng, máy tính PC cũ, cấu hình không cao.
Có thể nói, câu chuyện chuyển đổi số của ngành văn hóa nói chung và phát triển nguồn dữ liệu là nhiệm vụ tất yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin không chỉ là nhu cầu mà còn là chiến lược thiết yếu cho các đơn vị, tổ chức muốn duy trì và nâng cao vị thế của mình.
Theo nhận định của các chuyên gia, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa không chỉ giúp bảo tồn, lan tỏa và phát huy giá trị di sản văn hóa, mà còn tạo ra những cơ hội kết nối và tương tác mới cho các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, du lịch... Bởi việc chuyển đổi số sẽ cung cấp các ứng dụng, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dùng. Chẳng hạn như hệ thống quản lý phòng tại các cơ sở lưu trú, vé điện tử, hệ thống kiểm soát ra vào tự động, bãi đỗ xe thông minh và máy bán nước tự động.
Để đạt được điều này, theo các chuyên gia và đơn vị, tổ chức cần áp dụng các chiến lược phát triển hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, từ đầu tư vào công nghệ hạ tầng, tăng cường an ninh mạng, cho đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa cho các quy trình vận hành và quản lý.
Còn theo Phó tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Netcorp Bùi Viết Hoàng, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Một trong những thách thức lớn nhất là nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động. Để có thể thích ứng với công nghệ mới, người lao động cần được đào tạo và cập nhật kiến thức liên tục. Ngoài ra, việc xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại và bảo đảm an toàn thông tin cũng là những vấn đề cần được quan tâm. Các cơ quan, tổ chức cần có các biện pháp bảo vệ dữ liệu và hệ thống mạng khỏi các mối đe dọa an ninh mạng.