Thăng trầm nghề gốm - Bài cuối: Để gốm Việt thực sự hồi sinh
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề gốm, đang nỗ lực tương thích để hòa vào dòng chảy hiện đại. Để sản phẩm gốm ngày càng có vị trí trong đời sống còn nhờ vào sự kiên trì gìn giữ tinh hoa làng nghề của các nghệ nhân cùng sự tiếp nối, sáng tạo của những thế hệ trẻ kế nghiệp.
Nghề làm gốm được đánh giá là một trong những nghề có truyền thống lâu đời nhất Việt Nam. Từ khoảng 6.000 năm về trước đã hình thành truyền thống sản xuất và sử dụng đồ gốm khác nhau. Dựa vào đồ gốm, những nhà nghiên cứu có thể nhận diện sự khác biệt văn hóa cũng như mối quan hệ tương tác, giao lưu và trao đổi ý tưởng, hàng hóa giữa các cộng đồng cư dân cổ.
“Mật mã định danh của làng nghề” phai nhạt dần
Thực tế cho thấy, số làng nghề gốm đang ít dần. Sở dĩ như vậy là do sản phẩm gốm (nhất là gốm thủ công hoàn toàn làm theo phương thức truyền thống) không cạnh tranh được với sản phẩm tương tự sản xuất theo lối công nghiệp hoặc nhập khẩu, giá rẻ, tiện lợi. Do đầu ra khó khăn, thu nhập thấp, nhiều người bỏ nghề, có khi còn rời bỏ cả làng nghề đi nơi khác kiếm kế mưu sinh mới. Đội ngũ nghệ nhân gốm cao niên ngày một ít đi trong khi thế hệ tiếp nối lại khó theo được những hoa văn, họa tiết, kiểu dáng xưa. Nói như các nhà nghiên cứu thì “mật mã định danh của làng nghề” đang phai nhạt dần.
Người ta vẫn nhắc đến cụm từ bảo tồn, gìn giữ và trao truyền nghề cho người trẻ. Nếu nói về mặt kỹ thuật thì đó là việc rất đơn giản. Tuy nhiên, chúng ta không thể ép người trẻ theo nghề, giữ nghề khi đầu ra sản phẩm không có, họ không thể sống được bằng nghề thì làm sao giữ nghề? Đó có lẽ cũng là trăn trở của nhiều nghệ nhân làng gốm cổ, là những mối lo được họ nhắc đi nhắc lại khi trò chuyện với chúng tôi về nghề gốm, đời gốm.
Có thể nói, tìm ra một lối đi phù hợp cho nghề gốm đòi hỏi sự công phu và nhất thiết phải thổi làn gió đương đại cho làng nghề. Có nghĩa là phải tạo ra sự cân đối giữa cung và cầu trong hoạt động làng nghề. Chỉ khi sống được với nghề thì những người thợ gốm mới có thể suy nghĩ đến việc sáng tạo các sản phẩm mới, hay sử dụng công nghệ 4.0. Như vậy, điều cốt lõi để gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống vẫn là yếu tố con người.
Nhiều nghệ nhân gốm “thế hệ mới” cho biết, vì tính độc đáo cũng như dễ bị tổn thương, các sản phẩm gốm cần được bảo vệ. Tuy nhiên, cũng không thể giữ mãi phương pháp chế tác truyền thống và càng không thể né tránh công nghệ, để người thợ tiết kiệm công sức, nâng cao chất lượng của sản phẩm làm ra so với sử dụng các công nghệ cũ trước đây.
Hay nói như nghệ nhân Trần Đức Tân (làng gốm Bát Tràng, Hà Nội), thì việc bảo tồn nghề truyền thống là điều mà các thế hệ phải suy nghĩ và cùng nhau vun đắp, bởi thế hệ nọ kế thừa, nối tiếp thế hệ kia. Ông luôn đau đáu việc làm sao để các sản phẩm gốm gần gũi, thiết thực với đời sống nhưng cũng phải đầy chất nghệ thuật. Sự sáng tạo để tạo ra những màu men riêng với họa tiết trang trí tinh xảo, đẹp mắt khiến những sản phẩm gốm của Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh gốm Tân Thịnh luôn được nhiều khách hàng ưa thích, tìm kiếm.
Kết hợp du lịch để giữ làng nghề
Cho đến nay, nhiều làng nghề, trong đó có làng gốm đã trở thành địa chỉ du lịch xanh bền vững, thu hút nhiều sự quan tâm.
Nằm bên bờ sông Ô Lâu, cách trung tâm TP Huế (Thừa Thiên Huế) chừng 40km là làng gốm Phước Tích. Trong những năm qua, Phước Tích cũng đã kết hợp rất tốt giữa bảo tồn nghề gốm và phát triển du lịch. Làng đã đón rất nhiều lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ như tham quan dấu tích của lò gốm cổ xưa, trải nghiệm dịch vụ làm gốm tại cơ sở của một số nghệ nhân…
Còn nếu đến làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), du khách vẫn sẽ được gặp những người thợ gốm bền bỉ bảo lưu kỹ thuật chế tác truyền thống. 20 năm trước, vào năm 2004, tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án “Khôi phục và phát triển làng gốm Thanh Hà gắn với hoạt động du lịch”. Cũng chính từ chủ trương đúng đắn đó, làng gốm Thanh Hà mới hấp dẫn như ngày nay.
Đặc biệt là làng gốm Bát Tràng của Hà Nội. Để phát triển Bát Tràng trở thành điểm du lịch tiêu chuẩn quốc tế, chính quyền và người dân nơi đây đã nỗ lực đa dạng các loại hình dịch vụ góp phần thu hút nhiều khách du lịch đến với làng nghề. Xã chú trọng đến phát triển “Du lịch thông minh”, cụ thể là lắp wifi miễn phí; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D; đầu tư hệ thống thuyết minh tự động tại các điểm tham quan cũng như hệ thống du lịch thông minh qua ứng dụng trên điện thoại...
Như vậy có thể thấy, cùng với đổi mới cách nghĩ, cách làm thì việc kết hợp với du lịch “làng nghề xanh” được coi là một lối mở tích cực cho làng gốm.
Bảo tàng sinh thái - tại sao không?
Theo bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề TP Hà Nội, nếu không có những giải pháp thì làng nghề cổ sẽ khó được gìn giữ, phát huy. “Tôi đã đi nhiều nước, nhiều khu vực, đi thăm nhiều bảo tàng của các nước bạn và luôn trăn trở một câu hỏi: Tại sao họ làm được bảo tàng sinh thái mà quê hương mình có hàng nghìn câu chuyện hay, có bề dày lịch sử hàng nghìn năm… lại không thể làm? Chúng tôi nghĩ rằng mình cần kể câu chuyện của làng mình, phải nói lên được bản sắc văn hóa của dân tộc. Việc xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái sẽ là bảo tàng ngoài công lập, theo hình thức sở hữu tập thể là cộng đồng người dân. Chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước các cấp sẽ hướng dẫn và kiểm soát hoạt động của bảo tàng sinh thái của làng nghề theo quy định pháp luật, còn các nhà khoa học đóng vai trò tư vấn và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn” - bà Vinh nói.