Gỡ vướng cho lĩnh vực y tế
Ngày 4/10, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM và một số sở ngành liên quan tổ chức đối thoại với doanh nghiệp (DN) lĩnh vực y tế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tại đây, nhiều DN thắc mắc về hoạt động đấu thầu thuốc cũng như nhập khẩu thiết bị y tế.
Đơn cử, Công ty CP Dược phẩm OPC cho rằng, đấu thầu thuốc đang cạnh tranh giá khốc liệt. Tuỳ độ lớn của gói thầu mà tập trung hay riêng lẻ cũng như tuỳ từng địa bàn xa, gần để DN có những chính sách giá đấu phù hợp. Bảo hiểm xã hội TPHCM đang bắt giá chênh lệch 5% trên toàn quốc thì quá khó cho DN, trong khi không có quy định nào cụ thể về chênh lệch giá như vậy. Chưa kể có năm áp dụng mức chênh 10%, năm áp dụng 5%. Nguyên liệu đầu vào tăng, xăng dầu tăng mà ràng buộc thêm quy định trên DN khó điều chỉnh giá thuốc.
Đề cập đến nhập khẩu thiết bị y tế, Tiểu ban Trang thiết bị y tế và chẩn đoán (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam) cũng cho rằng, DN hoạt động trong lĩnh vực này đang gặp khá nhiều trục trặc. Do nhiều DN bị oan khi thanh tra Sở bắt nhầm. Đại diện tổ chức này cho rằng, ủng hộ Sở Y tế hậu kiểm thiết bị y tế loại A và B. Việc hậu kiểm này đảm bảo chất lượng thiết bị y tế và đảm bảo cho DN làm đúng luật. Tuy nhiên có DN bị oan và nhầm nhưng không có cơ hội giải trình. Trong trường hợp có bất đồng quan điểm hoặc phân nhóm thì nên có trao đổi với DN hoặc đại diện Hiệp hội để hiểu đúng, tạo thuận lợi cho DN.
Nhận định về việc kinh doanh thiết bị y tế hiện nay, ông Nguyễn Thanh Hiển - Phó chánh thanh tra, Sở Y tế TPHCM cho biết: “Tình trạng vật tư y tế không rõ nguồn gốc rất phức tạp. Thanh tra Sở Y tế thành phố phát hiện nhiều DN thực hiện phân loại thiết bị y tế không đúng về mức độ phân loại A, B, C, D; nhiều DN kinh doanh thiết bị y tế không đảm bảo tính hợp pháp tại thời điểm thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng thiết bị y tế loại A hoặc B, hoặc không thực hiện lại thủ tục công bố đủ điều kiện mua bán khi có sự thay đổi liên quan đến hồ sơ công bố trước đó”.
Ông Hiển cho biết thêm, từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, thanh tra Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra 605 cơ sở hành nghề khám chữa bệnh, kinh doanh dược, mỹ phẩm... Trong đó có 426 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt lên gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở cũng đã chuyển cơ quan điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, trong đó có 2 vụ liên quan đến lĩnh vực khám chữa bệnh, 2 vụ việc còn lại liên quan đến sản xuất kinh doanh mỹ phẩm và hoạt động trong lĩnh vực dược.