Đọc sách không bao giờ là muộn
Hà Nội và nhiều địa phương vừa phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, thúc đẩy văn hóa đọc; TPHCM thì đặt mục tiêu phấn đấu, một năm mỗi người dân tại thành phố phồn hoa này đọc từ 10 cuốn sách trở lên.
Việc thúc đẩy văn hóa đọc của Thủ đô nằm trong khuôn khổ lễ phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 (diễn ra từ ngày 1-7/10). Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã đưa ra minh chứng bằng những con số, rằng Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Số lượng quyển sách đọc được khoảng 4 quyển/năm nhưng trong số đó đã có hơn 3 cuốn là sách giáo khoa, sách tham khảo.
Như vậy, người Việt chỉ đọc 1 cuốn sách/năm và thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng 1 giờ/ngày, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.
Thực trạng ít đọc sách nói trên xuất phát một phần nguyên nhân là do giới trẻ phải dành quá nhiều thời gian cho việc học nên những nhu cầu giải trí, trong đó có đọc sách, bị hạn chế. Mặt khác, văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc.
Còn tại TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố vừa đề xuất đến năm 2030 mỗi người dân thành phố đọc 10 cuốn sách mỗi năm. Theo đó, TPHCM sẽ xây dựng các không gian mới dành cho sách.
Các tranh luận trên diễn đàn mạng cũng đang sôi nổi với những mục tiêu định lượng này.
Có người cho biết họ chọn sách giấy, bởi nó là thói quen đọc sách truyền thống cần được trân trọng. Nhưng lại có không ít người đồng quan điểm rằng cần định nghĩa lại cũng như mở rộng khái niệm "đọc sách" sao cho phù hợp với điều kiện, phương tiện thông tin hiện đại ngày nay, chứ không nên chỉ hiểu đọc tức là đọc sách giấy. Bởi mục tiêu cuối cùng của việc đọc hướng tới là có được thông tin, thu nạp kiến thức bổ ích. Do đó, điều quan trọng nhất là cần sự hỗ trợ, giới thiệu định hướng, lựa chọn đúng nguồn tư liệu giúp bạn đọc, để họ có sự lựa chọn phù hợp sách giấy, sách điện tử, hoặc các loại hình đọc/tiếp nhận thông tin khác.
Làm gì để trẻ em thích đọc sách?
Đây vừa là câu hỏi, cũng là mối quan tâm chung của nhiều người. Những kinh nghiệm được chia sẻ từ giáo viên, phụ huynh, thủ thư là: Khuyến khích trẻ đọc, giới thiệu sách hay cho trẻ, đọc truyện cho trẻ nghe mỗi tối trước khi đi ngủ, thưởng sách cho trẻ mỗi khi chúng đạt thành tích tốt…Và quan trọng hơn cả là hãy trở thành những ông bố, bà mẹ ham đọc sách để tạo nếp sống, thói quen cho con… Tất cả đều đúng và đều cần thiết.
Nhân nói chuyện đọc sách, hẳn nhiều người đã biết người Nhật có thói quen tranh thủ đọc sách ở mọi không gian chờ: đường phố, bến xe bus, trên tàu điện ngầm...
Thói quen này đã hình thành văn hóa đọc đứng - Tachiyomi. Hình ảnh người dân đọc sách tại không gian công cộng đã trở nên rất quen thuộc ở Nhật Bản. Thời điểm đọc sách được ưa chuộng nhất là khi rảnh rỗi ở nhà hoặc trước khi đi ngủ.
Cho đến bây giờ, thế hệ 7X chúng tôi vẫn nhớ như in những cuốn truyện như “Hoàng tử bé”, “Alice ở xứ sở diệu kỳ”, “Không gia đình”, “Bác sĩ Aibolit”, “Thuyền trưởng đơn vị”… Khi ấy đọc sách là nhu cầu tự thân, chứ không có (và cũng không cần) lễ phát động đọc sách như bây giờ. Thuở ấy ngoài sách giáo khoa, ngoài những bài giảng của thầy cô trên lớp, những cuốn truyện chứa đầy sự hấp dẫn, giống như những ô cửa sổ mở ra một chân trời mới. Sách giúp con người ta trưởng thành cả về trí tuệ và nhân cách, để rồi hướng thiện.
Đọc sách - dù là sách giấy hay sách điện tử, cũng cần định hướng cho con trẻ rằng đây là một nhu cầu theo suốt cuộc đời.
Đọc sách không bao giờ là muộn.