Kinh tế

Đưa sản phẩm làng nghề lên 'sàn'

Lan Hương 05/10/2024 07:32

Đây là một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Theo đó, các sản phẩm làng nghề, nông sản và sản phẩm OCOP được livestream bán trực tiếp trên TikTok tại kênh "Chợ phiên OCOP" trong khung giờ 10-13 giờ ngày 4/10.

tren.jpg
Giới thiệu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ tại hội chợ. Ảnh: H.Kiều.

Livestream bán sản phẩm làng nghề và nông sản

Theo Ban tổ chức, Hội chợ Làng nghề năm 2024 có sự tham gia của gần 100 đơn vị, doanh nghiệp cả nước. Trong đó có 31 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Hội chợ trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của các địa phương trong cả nước, điển hình như: Gạo sén cù Lào Cai, cà phê Đắk Lắk, chè Thái Nguyên, trà hoa vàng Quy Hoa, bánh đa nem làng Chều, mỳ chũ Bắc Giang…

Đặc biệt, Hội chợ Làng nghề năm nay có khu thao diễn nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, gồm 8 gian hàng đặc biệt bằng chất liệu tre với diện tích khoảng 80m2 được bố trí ở khu vực hai bên sảnh khai mạc. Tại đây, 8 nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu đại diện cho 8 nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ tham gia thao diễn nghề trực tiếp tại Hội chợ: Dệt thổ cẩm Lùng Tám, gốm sứ Giang Cao, thêu tay Thường Tín, chế tác gỗ Thiết Úng, nặn tò he Xuân La, nón làng Chuông, cốm Mễ Trì, mây tre đan Phú Vinh.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, điểm nhấn của Hội chợ năm nay là hoạt động livestream bán sản phẩm làng nghề và nông sản trên nền tảng TikTok.

Lý giải việc triển khai bán hàng livestream tại hội chợ, ông Tiến cho rằng, trong xu thế tiêu dùng mới việc quảng bá sản phẩm làng nghề và nông sản trên nền tảng TikTok sẽ là cầu nối để các bạn trẻ hiểu hơn về truyền thống văn hóa Việt Nam, nét tinh xảo của các sản phẩm đến từ các làng nghề trên cả nước. Đồng thời là giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề truyền thống hiện nay.

Có chính sách riêng hỗ trợ làng nghề

Thực tế cũng cho thấy, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề, số lượng làng nghề ở miền Bắc chiếm gần 40%, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng, trong đó khoảng 300 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Theo thống kê ngành nghề nông thôn tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; xuất khẩu sản phẩm và nguyên liệu đạt 3,3 tỷ USD. Ngày càng nhiều làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đơn cử như tại làng nghề lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) hiện có 400 hộ dân tham gia sản xuất lụa và 244 hộ sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề, sản lượng lụa hằng năm đạt 1,7 triệu mét lụa các loại, doanh thu ước đạt 115 tỷ đồng/năm.

Dù các làng nghề đem lại giá trị kinh tế cũng như văn hóa rất lớn song phần lớn các làng nghề vẫn chưa bứt phá trở thành ngành mũi nhọn giúp người dân có thu nhập ổn định từ nghề truyền thống.

Nhìn nhận thực trạng phát triển các làng nghề hiện nay, ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, thực trạng sản xuất kinh doanh tại các làng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ còn gặp nhiều thách thức, thiếu bền vững. Các làng nghề thiếu thốn về vốn và mặt bằng sản xuất, nạn ô nhiễm môi trường từ các làng nghề ngày càng trầm trọng, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ số trong quá trình sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm làng nghề còn chậm, chưa theo kịp xu thế tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay.

“Các làng nghề chưa được đánh giá đúng về tiềm năng để phát triển du lịch, hoạt động du lịch mới chỉ chú trọng vào việc đưa khách đến tìm hiểu, tham quan nghề mà chưa giới thiệu được những giá trị văn hóa khác của làng nghề truyền thống; chưa có nhiều những sản phẩm du lịch giữ chân du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch không cao” - ông Tiến nhấn mạnh.

Đặc biệt, hiện nay, sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, thiếu nhân lực kế thừa nghề truyền thống cũng là nguyên nhân khiến các làng nghề mai một dần. Việc chỉ còn những nghệ nhân lớn tuổi làm nghề khiến cho họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển làng nghề chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.

Để làng nghề phát triển bền vững song hành với bảo tồn những giá trị văn hóa các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần phải hoàn thiện khung pháp lý riêng cho vấn đề phát triển và bảo tồn làng nghề. Bởi đây không đơn thuần là lĩnh vực chính tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân mà còn là một trong nét đặc trưng văn hóa của dân tộc.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Trịnh Quốc Đạt, việc xây dựng và ban hành luật về làng nghề là cấp thiết, bởi khi có luật, các nghệ nhân, các làng nghề sẽ tiếp cận được với những cơ chế chính sách ưu đãi hơn cùng với đó sẽ có những quy hoạch tổng thể, chiến lược dài hạn phát triển cho từng làng nghề, tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh công bằng hơn.

Lan Hương