Giáo dục

Triển khai học bạ số đồng bộ, liên thông cấp học

VÂN ANH 06/10/2024 08:36

Theo một số lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), việc triển khai học bạ số toàn ngành Giáo dục là chủ trương đúng đắn, cần thiết phải thực hiện nhằm đảm bảo sự liên thông, liên kết giữa các cấp bậc học.

Bai GDuc
Cô trò Trường Liên cấp Tiểu học & THCS Ngôi Sao Hà Nội.

Thúc đẩy chuyển đổi số ngành Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ: Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói riêng rất quan trọng. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo bằng các nghị quyết, chương trình, đề án nhằm đẩy nhanh hoạt động này. Trong đó, với ngành Giáo dục, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131 năm 2022 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Năm học 2023 - 2024 vừa qua, Bộ GDĐT đã triển khai thí điểm hệ thống học bạ số, cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh tiểu học, bao gồm: Phần mềm hệ thống; tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản trong tạo lập và sử dụng học bạ số. Phạm vi thí điểm là các cơ sở giáo dục cấp tiểu học bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, chủ động về nhân lực, nguồn lực để thực hiện các giải pháp, nội dung, yêu cầu đối với học bạ số, bảo đảm 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm. Việc thí điểm thực hiện đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4.

Trong tuần qua, Bộ GDĐT cũng tổ chức hội thảo bàn phương án triển khai học bạ số cấp THCS và THPT, nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng việc triển khai học bạ số trong các trường trung học. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: Việc triển khai học bạ số cho các cơ sở giáo dục trung học có học sinh học chương trình giáo dục phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT nhằm đảm bảo sự đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở giáo dục với các cơ quan quản lý giáo dục. Tạo thuận tiện, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng học bạ số thay thế học bạ giấy góp phần cải cách hành chính có sử dụng học bạ; phù hợp với điều kiện hạ tầng về công nghệ thông tin và cách tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục hiện nay.

Qua quá trình khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, đến thời điểm này, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thí điểm học bạ số và ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan triển khai các công việc liên quan đến học bạ số. Các cơ sở giáo dục đã có phần mềm quản lý trường học. Cán bộ quản lý, giáo viên đã làm quen với nghiệp vụ phần mềm quản lý trường học. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp tích cực hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai học bạ số tại các địa phương.

Hiện nay, cơ bản các Sở GDĐT đã gửi dữ liệu học bạ số về Bộ GDĐT. Việc triển khai học bạ số các cấp đồng bộ cũng thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong ngành giáo dục, góp phần triển khai hiệu quả Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Gỡ khó để triển khai hiệu quả

Theo Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành, việc triển khai học bạ số cấp trung học là việc mới nên còn gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện liên quan đến cơ sở hạ tầng; cấp, quản lý chữ ký số cho cán bộ quản lý, giáo viên; cơ sở pháp lý; kinh phí thực hiện; phần mềm; tính bảo mật thông tin, chính xác của cơ sở dữ liệu, phương án xử lý trong một số trường hợp phát sinh cụ thể...

Trưởng phòng GDĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn Ngô Văn Hiền cũng cho hay: Triển khai học bạ số toàn ngành Giáo dục là chủ trương đúng đắn, cần thiết phải thực hiện nhằm đảm bảo sự liên thông, liên kết giữa các cấp bậc học. Năm học vừa qua, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện học bạ số cấp tiểu học và hiện nay đang triển khai ở cấp trung học.

Để thực hiện hiệu quả học bạ số cấp trung học, ông Ngô Văn Hiền mong muốn Bộ GDĐT sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để các cấp, các đơn vị tại địa phương triển khai. Đặc biệt là cần chi tiết hóa các quy định về phân cấp, phân quyền quản lý học bạ số. Đồng thời, thống nhất, nhất quán các quy định trước đó về học bạ giấy để có sự đồng bộ trong quá trình triển khai.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Trọng, việc triển khai học bạ số là xu hướng tất yếu, phù hợp với bối cảnh xã hội chuyển đổi số hiện nay. Tuy nhiên, cần lưu ý hơn đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên do các trung tâm hiện nay được quản lý bởi hai cơ quan chủ quản. Giáo viên của các trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay chủ yếu là giáo viên hợp đồng và thỉnh giảng, vì vậy cũng đặt ra những băn khoăn trong việc cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số.

Phó Giám đốc Sở GDĐT Bắc Giang Bạch Đăng Khoa cũng chia sẻ mong muốn việc triển khai học bạ số được thực hiện ở các cấp học để đảm bảo sự liên thông trong quá trình học tập của một cá nhân. Đồng thời cho rằng, cần có sự khớp nối giữa các doanh nghiệp cung cấp phần mềm với các cơ sở giáo dục, Sở GDĐT và dữ liệu ngành Giáo dục nhằm thuận tiện trong quản lý, tra cứu, lưu trữ dữ liệu.

Tại Hà Nội, từ kết quả thí điểm đối với cấp học tiểu học, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã phát động việc triển khai học bạ số tại tất cả các trường phổ thông trên địa bàn thành phố từ năm học 2024 - 2025.

Tổng kết một năm thực hiện triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, Giám đốc Trần Thế Cương cho biết: Hà Nội là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học. 100% các phòng giáo dục và đào tạo đã xây dựng kế hoạch triển khai, chuẩn bị nguồn lực, thành lập ban chỉ đạo, thành lập tổ công tác thí điểm học bạ số của từng đơn vị. 100% trường tiểu học đã trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ để vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo; giáo viên, nhân viên các trường học đều có thể tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành, dữ liệu về học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thí điểm vẫn còn một số khó khăn cần giải quyết như: phát sinh chi phí về hạ tầng thiết bị, lưu trữ và vận hành hệ thống dữ liệu học bạ số; giáo viên phải sử dụng điện thoại, thiết bị của cá nhân để cài đặt phần mềm quản lý chữ ký số; giáo viên ở một số đơn vị phải tự chi trả kinh phí duy trì dịch vụ ký số…

VÂN ANH