Kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2024): ‘Thành đồng Tổ quốc’ mãi mãi vang danh
Chỉ 3 tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn, thực hiện dã tâm xâm lược nước ta lần thứ hai. Với tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, đồng bào Nam bộ, nòng cốt là quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã đứng lên chiến đấu, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.
Ngày 23/9/1945, địch nổ súng tấn công các trụ sở chính quyền cách mạng ở Sài Gòn. Trước tình hình đó, Xứ ủy, Ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại Nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh). Mặc dù xa sự chỉ đạo của Trung ương, nhưng với tư duy chiến lược nhạy bén, quyết đoán, Hội nghị đã phân tích tình hình, nhận định âm mưu của thực dân Pháp và ra “Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ”; trong đó chỉ rõ: “Độc lập hay là chết… Tất cả đồng bào, già, trẻ, gái, trai, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược… Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu”.
Ngay chiều 23/9/1945, cả Sài Gòn - Chợ Lớn hừng hực khí thế chiến đấu, thực hiện bất hợp tác với Pháp, tiến hành “vườn không nhà trống”, tiêu thổ kháng chiến, quyết bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Ủy ban kháng chiến Nam bộ chia Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định thành 5 mặt trận: Mặt trận Nội thành và 4 mặt trận (Thị Nghè; Bà Điểm - Tham Lương; Phú Lâm; Nhà Bè - Cần Giuộc) xung quanh nội đô. Mỗi mặt trận bố trí các đơn vị vũ trang, được bổ sung quân số và trang bị thêm vũ khí, chuẩn bị mọi mặt, phối hợp chặt chẽ với các tầng lớp nhân dân sẵn sàng nổi dậy. Ở mặt trận Nội thành, chiến lũy được lập nên khắp các phố phường. Các đội tự vệ chiến đấu nhanh chóng được thành lập.
Lịch sử một tháng đầu kháng chiến của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn là lịch sử chuẩn bị và xác định quyết tâm kháng chiến ngay khi tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp vừa nổ ra. Đó là lịch sử phát động một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, dưới nhiều hình thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và là lịch sử cuộc chiến đấu quyết liệt ghìm chân địch để chuẩn bị thực lực cách mạng mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài.
“Thành đồng tổ quốc”, đó là danh hiệu bất tử mà Bác Hồ đã trao cho quân và dân Nam bộ, để tôn vinh sứ mệnh thiêng liêng; một mặt trận mở đầu cho một cuộc trường kỳ kháng chiến của toàn dân tộc Việt Nam. “Thành đồng tổ quốc” là sự thể hiện tinh thần dũng cảm chiến đấu, với khí phách hiên ngang của quân và dân Nam bộ.
Tinh thần quật khởi của đồng bào Nam Bộ, Sài Gòn - Chợ Lớn tiêu biểu cho ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình cháy bỏng; đồng thời, cũng là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp quyết định sự thành công trong những ngày Nam bộ kháng chiến.
Ấy là những ngày ghi dấu lịch sử hào hùng của quân dân ta bắt đầu từ sáng 23/9/1945, khi pháo hỏa phát sáng, mở đầu cho ngày Nam bộ kháng chiến. Ngay lập tức, những cuộc tấn công phủ đầu của quân và dân ta làm giặc Pháp mất ăn mất ngủ và bị tiêu hao lực lượng thật bất ngờ. Cùng với đó, theo lệnh của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, cả Sài Gòn đình công, bất hợp tác với người thực dân Pháp. Các công sở, xí nghiệp, hãng buôn… đều đóng cửa. Chợ búa, xe cộ ngừng hoạt động và mọi đường phố chính mọc lên những ụ súng, với tất cả vũ khí các loại có thể dùng để đánh giặc. Lực lượng kháng chiến hình thành ngày càng đông và khí thế chiến đấu ngày càng hăng say, quyết liệt. Lời hiệu triệu của Ủy ban kháng chiến Nam bộ được vang lên từ giây phút đầu tiên ở phố Cây Mai (Chợ Lớn), đã được sự ủng hộ hết lòng từ mọi người dân, trẻ con đến người già; tất cả đều sẵn sàng lao vào cuộc chiến sinh tử, đúng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mà sau này đã diễn ra trên đường phố Hà Nội, vào ngày toàn quốc kháng chiến.
Theo lời kêu gọi của Bác Hồ: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, quân và dân Nam bộ đã thể hiện đúng tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng cho cuộc sống độc lập, tự do. Những tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn làm nức lòng mọi người. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ náo nức tham gia phong trào Nam tiến, với khí thế hăng say chưa từng có. Các chi đội giải phóng quân hình thành. Ai ai cũng tình nguyện lên đường chiến đấu cứu nước theo lời Bác gọi. Cùng với đó là cuộc chiến đã lan rộng tới khắp các tỉnh đồng bằng Nam bộ, kéo ra đến tận miền Trung Nam bộ.
Hơn thế nữa, vào thời điểm này, ngày 25/10/1945, các nhà cách mạng như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh và Lê Duẩn vừa thoát khỏi ngục tù Côn Đảo cũng tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến, với đường lối ngày một sâu sắc hơn và các cuộc tấn công ngày càng có chiến thuật rõ rệt, tạo nên phong trào ngày một thêm rộng khắp và khí thế ngày một dâng cao. Chỉ thị của trung ương ngày càng sát với nhiệm vụ chính trị từng vùng miền, với khẩu hiệu tập trung: “Kháng chiến kiến quốc”. Nhiều lực lượng chiến đấu được phối hợp với mặt trận phía Nam, cùng với lương thực, thuốc men quần áo, vũ khí được chi viện rất mạnh mẽ tạo nên một phong trào “Vì miền Nam” anh dũng. Cùng với những sự đóng góp về vật chất cụ thể, thì các phương tiện truyền thông cùng lực lượng văn nghệ sĩ cũng vào cuộc để thông tin tuyên truyền và kêu gọi sự ủng hộ của toàn quân và dân trên cả nước cho cuộc kháng chiến Nam bộ. Trong thời gian này, bài ca “Nam bộ kháng chiến” cũng được ra đời, do nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn sáng tác. Không chiến sĩ nào không thuộc bài ca của chính họ, đi đâu cũng đều nghe thấy lời ca vang lên: “Mùa thu rồi, ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời lời hoan hô/Dân quân Nam nhịp chân tiến đến trận tiền…”
Sau này cho dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cuộc kháng chiến của đồng bào Nam bộ vẫn không ngừng phát triển, ngày càng lan rộng, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng ta đề ra lúc đó là: “Củng cố chính quyền nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”. Thực tiễn ngày càng phức tạp, bởi những diễn biến lực lượng trên toàn quốc, nhưng quân và dân miền Nam vẫn duy trì bền bỉ và ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Chính vì lẽ đó, trong đợt tôn vinh chiến công vào tháng 2/1946, Bác Hồ đã tặng cho quân và dân Nam bộ bốn chữ ghi danh, với hình ảnh là: “Thành đồng Tổ quốc”.
Và từ đó, quân và dân Nam bộ quả là xứng đáng với hình tượng ấy, suốt 30 năm chiến đấu kéo dài, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975). “Thành đồng Tổ quốc” được vang lên, trong niềm vui đại thắng. Và đó cũng là một biểu tượng kiên cường cho mảnh đất “Thành đồng” của “Tổ quốc”. Một hình ảnh bất tử cho cuộc chiến đấu vì độc lập tự do.