Nhà báo Lê Quốc Vinh: Nhận diện, phòng chống tin giả
Hiện tượng tin giả lan truyền trên mạng xã hội ngày càng phổ biến, gây hoang mang dư luận, tạo ra hệ quả tiêu cực. Điển hình thời gian qua, khi cơn bão Yagi vào Việt Nam, xuất hiện nhiều các thông tin sai lệch, hình ảnh giả về cơn bão, về cứu trợ, về nạn lụt, lừa chuyển tiền vào các tài khoản mạo danh, lừa chuyển tiền từ thiện,… trên mạng xã hội.
THV trò chuyện cùng Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, người mới đây, ra mắt cuốn sách bán chạy: “Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông”, nhận được sự ủng hộ của đông đảo người đọc. Ông cũng là người nhiệt thành trong việc nhận diện, phòng chống tin giả (fake news) trong nhiều năm qua.
PV: Bên cạnh việc viết sách, là diễn giả, ông còn rất tích cực trong việc xử lý vấn đề tin giả?
Chuyên gia LÊ QUỐC VINH: Có hai vấn đề lớn khi bàn đến tin giả. Một là, tin giả có thể tạo ra các khủng hoảng cho nhiều bên, đơn vị và cá nhân. Tin giả là những tin bóp méo sự thật, hoặc vẽ nên một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt về tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ đó tạo ra các nguy cơ khủng hoảng rất lớn cho họ. Là những người làm các hoạt động trong việc xử lý khủng hoảng cho các doanh nghiệp, tổ chức như vậy, nên các vấn đề về tin giả là mối quan tâm lớn đối với chúng tôi. Thứ hai, câu chuyện gia tăng từ tin giả gây ra nhiều ảnh hưởng đến xã hội nói chung, tạo ra sự hoảng loạn, mất niềm tin từ công chúng, môi trường đầu tư, môi trường truyền thông, môi trường xã hội trở nên hỗn loạn và bị tác động tiêu cực. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả truyền thông, định hướng thông tin.
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies), Phó Chủ tịch CLB Giám đốc Sales và Marketing Việt Nam (CSMO). Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành báo chí, là phóng viên, biên tập và thư ký toà soạn của nhiều cơ quan báo. Ông được coi như một chuyên gia trong ngành truyền thông và maketing và là giảng viên thỉnh giảng ngành quan hệ công chúng tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Kinh tế, Đại học VinUni, BUV, RMIT…
Ông quan tâm đến vấn đề tin giả bắt nguồn từ những lý do nào?
- Tin giả không phải mới xuất hiện. Nó đã là vấn đề mà từ nhà nước, cho đến các doanh nghiệp, những người làm truyền thông quan tâm từ rất lâu. Đặc biệt, giai đoạn Covid-19, nó trở thành vấn nạn lớn, có tác động ghê gớm đến xã hội. Trong thời gian này, tin giả làm cho mọi người bị hoảng loạn về căn bệnh, gây ra sự lệch lạc, cả tin, rất hỗn loạn, vì thế gây tác động tiêu cực lên các giải pháp xử lý Covid-19. Lúc đó, tôi và một số cộng sự đã thành lập nên một trang phòng, chống tin giả về Covid-19. Chúng tôi kiểm chứng thông tin, nhận diện tin giả, giúp các doanh nghiệp, cá nhân điều chỉnh thông tin họ đọc được. Về việc xử lý phòng chống tin giả tôi đã làm từ lâu, nhưng ở trong giai đoạn đó đặc biệt quan trọng vì tin giả rất nguy hiểm, gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Nỗ lực này cũng nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan đoàn thể, trung tâm, tổ chức y tế, các cơ quan báo chí. Chúng tôi phối hợp với nhau làm việc này hoàn toàn tự nguyện, phân định rõ thông tin nào là thật, là giả, mang lại cái nhìn đúng đắn, giúp công chúng bớt đi các cảm xúc tiêu cực không đáng có, hỗ trợ cho công tác chống dịch. Đó cũng là động lực cho phong trào “nói không với tin giả”. Sau giai đoạn Covid-19, việc phòng chống tin giả của chúng tôi không chỉ nằm trong giới hạn của hoạt động chống dịch Covid-19 nữa mà mở sang nhiều lĩnh vực khác nữa, các vấn đề xung quanh hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, từ tổ chức tới các cá nhân…
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí cũng tạo ra các trang “Fact-check” (kiểm chứng lại thông tin). Nhiều người hoạt động truyền thông trên mạng xã hội cũng tham gia vào việc chống tin giả. Như vậy, câu chuyện phòng chống tin giả ngày càng trở thành vấn đề chung của xã hội.
Những đặc điểm này cũng là một phần lý do ông viết cuốn “Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông”?
- Quản trị khủng hoảng là vấn đề lớn của doanh nghiệp. Tôi đã tham gia xử lý khủng hoảng cho các doanh nghiệp từ 20 đến 30 năm nay. Tin giả chỉ là một trong những nguyên nhân tạo ra khủng hoảng. Nhưng tin giả chính là hiện tượng nghiêm trọng nhất và cũng chiếm một phần quan trọng trong cuốn sách tôi viết. Khủng hoảng cũng đến từ nhiều nguyên nhân khác nữa, như từ những sai sót trong quản trị của doanh nghiệp, hoặc phát ngôn không chuẩn mực của lãnh đạo doanh nghiệp… Còn tin giả là bịa ra những chuyện không có thật, lừa dối, kích động tâm lý của người dân, gây ra phản ứng tiêu cực đối với doanh nghiệp. Tin giả rất nguy hiểm. Ngay cả khi cơ quan chức năng xác định đó là tin giả, thì người dân cũng không tin, không nghe theo, và có những hành động gây hỗn loạn xã hội.
Như mấy ngày hôm nay, khi thiên tai bão lũ đang xảy ra, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều tin giả. Nhiều người đưa lên mạng xã hội các thông tin về ủng hộ từ thiện, nói quá lên số tiền thật mà họ gửi. Nhưng từ đó, cũng không ít người bị chụp mũ, bị tung tin là từ thiện giả vờ. Những người đó rất khổ tâm, họ phải chứng minh là họ có làm thật. Tin giả gây hệ luỵ lớn đối với các cá nhân như vậy.
Có người lợi dụng việc từ thiện để đánh bóng tên tuổi, để “phông bạt”, nhưng phần lớn là những người có tấm lòng thiện nguyện thực sự. Nhưng họ cũng e ngại khi tham gia từ thiện và làm sao để việc từ thiện được minh bạch.
Tin giả là việc dựa trên vài biến cố có thật để tung ra một thuyết âm mưu mới. Cứ giả giả thật thật, tung hoả mù, làm công chúng không biết thế nào là thật, thế nào là giả. Vài người bị phát hiện là làm từ thiện giả vờ, làm ít mà nói quá lên, tin giả dựa vào đó để tung ra các thông tin làm nhiều người khác bị liên đới, thường làm cho có vẻ như thật, làm người ta mất phương hướng, không biết thế nào là đúng, thế nào là sai.
Tin giả hiện vẫn đang là vấn nạn cần được phòng chống mạnh mẽ hơn. Mỗi khi dịch bệnh, thiên tai, khó khăn kinh tế, tin giả lại càng tràn lan. Tin giả cũng là một phần quan trọng trong việc tạo ra khủng hoảng. Quá trình ông viết cuốn sách “Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông”, điều gì làm ông tâm đắc?
- Giống như là một cuốn cẩm nang, cuốn sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình phòng chống khủng hoảng. Sách ra đời từ nhu cầu lớn của doanh nghiệp trong thời đại truyền thông số, vấn đề quản trị của họ gặp rất nhiều rủi ro. Ở Việt Nam rất ít người viết sách về khủng hoảng truyền thông. Đây là cuốn sách hiếm hoi. Tôi viết dựa trên những trải nghiệm của chính mình trong suốt 30 năm qua. Cuốn sách vừa ra đời nhận được nhiều sự quan tâm, vì số lượng các cá nhân và doanh nghiệp phải đối mặt với khủng hoảng từ truyền thông là rất lớn. Ai cũng thấy đâu đó có những nội dung có thể giúp ích cho mình. Cuốn sách ra đời đúng lúc nhu cầu đang tăng cao. Như vấn đề về TikTok. Đó là kênh truyền thông rất hay và hữu hiệu nhưng cũng tạo nên các nguy cơ vô cùng lớn đối với xã hội. Chỉ cần một TikToker tung ra một thông tin, một sự nghi ngờ là hoàn toàn có thể biến thành một cuộc khủng hoảng.
Trên mạng xã hội, phần lớn người đưa tin không phải từ một tổ chức hay trong cơ quan báo chí chuyên nghiệp. Cơ quan báo chí khi đưa tin thì có trách nhiệm tìm kiếm thông tin chính xác, độc lập, đa chiều, thậm chí có các khâu kiểm chứng để đưa ra thông tin chính xác. Cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm trước mỗi tin tức đưa ra. Nhưng một cá nhân trên mạng thì không có những kỹ năng, nghiệp vụ chuyên nghiệp như thế, họ đưa ra nhiều thông tin không được kiểm chứng. Người dùng trên mạng xã hội đã góp phần lan truyền các thông tin thất thiệt, các thông tin không được và không nên đưa ra, làm thiệt hại rất lớn tới các cá nhân, hay tổ chức và cả cộng đồng xã hội.
Trước đây khi không có mạng xã hội, thì chỉ cần xử lý trong phạm vi báo chí hẹp, còn bây giờ, tin giả sẽ được chia sẻ nhanh chóng từ người này đến người kia làm nguy cơ, vấn đề tiêu cực lan toả rất nhanh. Vì thế việc giải quyết càng khó khăn, phức tạp. Cuốn sách ra đời sẽ giúp cho các cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp hiểu khủng hoảng là như thế nào, phòng tránh được không, nếu không tránh được, thì việc giải quyết cần theo các phương pháp nào.
Nhiều năm qua, bằng trải nghiệm của mình qua quá trình nhận biết phòng chống tin giả, ông nhận thấy tin giả thường xuất phát từ những nguồn nào?
- Nguồn tin giả có nhiều loại. Trong đó, tin giả xuất phát từ nguồn mang tính chống đối (anti) chiếm phổ biến. Tôi không chỉ nói về các tổ chức, cá nhân chống đối mang tính chính trị, mà cả các thành phần chống đối doanh nghiệp. Cũng có nhiều thương hiệu không được ưa thích, nên cũng có nhiều nhóm chống đối. Các cá nhân cũng gặp vấn đề như vậy. Những thành phần anti tung ra các thông tin bất lợi và thất thiệt, thường là mượn một phần sự thật, tô vẽ thêm, bịa đặt thêm hoặc hoàn toàn không có thật, gây tổn hại đến uy tín, danh dự của các tổ chức doanh nghiệp hoặc cá nhân.
Một số website được coi là chuyên tung tin giả. Ban đầu họ đưa ra những nội dung hữu ích, ví dụ như chuyện sức khoẻ, ăn uống, nuôi dạy con cái, thu hút người vào tìm đọc, rồi xen vào các loại tin giả, thất thiệt, tiêu cực, khiến độc giả tin theo và vô tình phát tán.
Ngoài ra, có những người “nghe lỏm”, hoặc chạy đua thể hiện mình cập nhật thông tin, kiểu hiệu ứng FOMO (sợ bị tụt hậu). Thấy người khác đưa tin, thì cũng chia sẻ, hoặc chế biến lại. Cũng có thể xuất phát từ sự lo lắng hoảng loạn. Bên cạnh đó, cũng có những người đưa tin giả vì muốn trục lợi. Họ có thể là nguồn tin giả, nhưng cũng có thể là người phát tán tin giả, chia sẻ từ nguồn tin khác, nhằm thu hút sự quan tâm và trục lợi từ lòng tin của mọi người. Cá biệt, có một số cơ quan báo chí vô tình lan truyền tin giả, do tin vào nơi cung cấp, hoặc vì vội vàng nên không có thời gian kiểm chứng, hoặc không có điều kiện để kiểm chứng.
Hiện tượng tin giả lan truyền trên mạng xã hội ngày càng phổ biến, gây hoang mang dư luận. Tôi cảm giác thời gian này, mạng xã hội ngày càng bộc lộ nhiều sự tiêu cực qua các tin giả mà chúng ta khi không có sự chuẩn bị, đề phòng, hay hiểu biết là sẽ bị lôi kéo, ảnh hưởng, thậm chí là nạn nhân?
- Cơ chế tin giả bắt đầu xuất phát từ một vài thông tin có thật, dễ dàng xác nhận, nhưng xung quanh đó là các tình tiết, nội dung giả. Như thế mới dễ đánh lừa người ta tin và chia sẻ. Có người chia sẻ như thế, tin giả mới được lan truyền. Những người này gián tiếp đưa tin giả đến công chúng. Công chúng nhận những tin giả đó không trực tiếp từ nguồn mà qua sự chia sẻ từ người này đến người kia. Người ta thường tin vào người mà họ quen biết, hoặc là bạn bè, gia đình, hoặc là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Một người bạn mình biết, chia sẻ tin giả, khi đọc mình sẽ vội vã tin ngay, vì mình biết và quen người đó mà, nên tiếp tục chia sẻ mà không kiểm chứng. Sau đó, người quen, bạn bè, người thân gia đình của mình cũng lại tin mình, cứ thế tin giả lại được chia sẻ…
Có vấn đề vô cùng nghiêm trọng là khi mọi người tham gia mạng xã hội thì bị tác động tâm lý rất mạnh. Khi mình tin vào điều gì đó và theo dõi, bỗng nhiên thấy có nhiều người cũng nghĩ giống mình, nói giống mình. Thuật toán của mạng xã hội là gợi ý cho người dùng những nội dung tương tự những gì họ quan tâm. Khi người dùng bấm xem thông tin nào đó, mạng xã hội sẽ gợi ý những nội dung tương tự, cho nên các tin tức giống giống như thế liên tục xuất hiện trên bảng tin. Điều đó khiến người đọc không nhìn thấy các dòng thông tin khác, trái chiều hoặc phủ nhận thông tin giả. Càng thấy nhiều người nói, niềm tin của người dùng càng được củng cố hơn. Từ đó tin giả thành thật, và tiếp tục lan truyền. Kể cả khi tin giả được kiểm chứng và có cơ sở nói đó là tin giả, thì người đó cũng không tin. Con người trở nên mù quáng, thậm chí còn cố gắng thuyết phục ngược lại để người khác tin vào niềm tin sai lệch đó của mình.
Ông chia sẻ các giải pháp xử lý tin giả? Cần đối phó với các tin giả, các thông tin thiếu chính xác hay việc lừa đảo qua mạng xã hội ra sao? Cũng như cộng đồng cần tăng sức đề kháng trước tin giả như thế nào?
- Đây là vấn nạn xã hội, là trách nhiệm của toàn xã hội. Tin giả không bao giờ mang lại điều gì tốt đẹp. Nó làm cho con người có cái nhìn sai lệch về cuộc sống, xã hội và mọi vấn đề xung quanh.
Thực tế chống tin giả rất khó. Vì nó dễ đánh được vào tâm lý đám đông, tạo hiệu ứng a dua, bất chấp, nên rất khó xử lý. Tin giả thường là sản phẩm của một nhóm lợi ích nào đó. Người ta tung tin giả để gây ảnh hưởng, tạo ra lợi ích nhất định cho mình, gây ảnh hưởng tâm lý cho con người, trục lợi, thu lợi về tài chính. Lợi ích bẩn làm những người tung tin giả càng khát khao lũng đoạn thông tin bằng tin giả.
Thứ hai, là chế tài của chúng ta với người tung tin giả còn hời hợt, chỉ mang ý nghĩa phạt hành chính, chưa ai bị quy tội hình sự. Hình phạt hành chính không là gì so với các lợi ích người tung tin giả thu lại. Vì thế, họ không sợ.
Thứ ba, là sự phát triển ồ ạt thiếu kiểm soát của các phương tiện truyền thông xã hội, nhấn chìm các nguồn chính thống. Người dân tiếp cận quá nhiều nguồn thông tin nên rất khó phân biệt nguồn tin nào là thật, là giả. Những người cố tình lan truyền tin giả thì không nói rồi, phần lớn người dân bình thường, không biết đâu là thật, là giả mới góp phần làm tin giả lan truyền.
Thứ tư, năng lực phân biệt tin giả của người đọc cũng cần phải được tăng cường. Do khả năng phân tích, nhận diện kém nên hầu như người ta dễ bị lừa, bị lạc vào ma trận của các thông tin giả. Thực ra cần có trình độ nhất định, có năng lực, hiểu biết và độ nhạy cảm để khi đọc các tin tức thì chủ động biết được đó là thật hay giả, phân định được các nguồn tin. Bên cạnh đó, cần tìm kiếm thông tin từ các cơ quan báo chí, truyền thông có uy tín.
Câu chuyện chống tin giả không thể áp đặt cho riêng một cơ quan hay một tổ chức nào, mà là trách nhiệm của tất cả chúng ta, mọi thành phần xã hội. Để phòng chống tin giả, cần sự kết hợp tổng lực từ người dân đến các cơ quan quản lý nhà nước, xã hội. Ngoài việc đưa ra các chế tài, các hình phạt răn đe người hoặc nguồn đưa tin giả, các cơ quan báo chí, truyền thông hoạt động chuyên nghiệp phải chịu khó trong việc phát hiện ra tin giả, chủ động đưa ra tin chính xác để chấn chỉnh, giúp cho người dân biết thông tin nào là giả và đâu là thật.
Các thv ông tin từ các nguồn chính thống cần đủ mạnh để lôi kéo người dân thường xuyên theo dõi. Các cơ quan truyền thông không chỉ dựa trên các nền tảng báo chí truyền thống, mà còn phải sử dụng mạng xã hội để chủ động tiếp cận, hỗ trợ, thông báo cho người dân biết những thông tin sai lệch, phải chỉ ra được đích danh nguồn tin giả và các thông tin giả.
Người dân phải tự biết nghi ngờ thông tin, phải kiểm chứng thông tin và chủ động đi tìm tin thật từ các nguồn chính thống. Khi đọc một tin nào đó trên mạng xã hội cần tìm kiếm ngay thông tin chính xác ở các nguồn tin chính thống. Mỗi người dân cần trang bị kỹ năng, kiến thức đúng đắn cho mình, chủ động nhận thức được tin giả, cùng góp phần vào việc chống tin giả, hỗ trợ để những người khác có nhận thức về tin giả.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ hữu ích của ông!