Nhà văn Hoàng Anh Tú: Ai cũng nhận đúng thứ đã cho đi
Đêm nhạc “Tiếng Gọi Yêu Thương” do Quỹ từ thiện Hạt Vừng tổ chức gây quỹ giúp đỡ đồng bào bão lũ vừa qua với chi phí tổ chức là mồ hôi của từng thành viên đổ xuống, là sự hỗ trợ, chung tay của nhiều người và không sử dụng dù chỉ một đồng quyên góp. “Chúng tôi luôn muốn giữ sự toàn vẹn của quỹ dù chỉ là 1 đồng”. Nhà văn Hoàng Anh Tú, thành viên của Quỹ từ thiện Hạt Vừng chia sẻ.
Từ ngày 19/9/2024, nhóm Hạt Vừng bắt đầu lên đường hướng tới các vùng bị thiên tai bão lũ mà truyền thông ít đề cập tới thay vì giống như mọi người tập trung vào vùng bị thiệt hại nặng nhất. Như chính giá trị cốt lõi của Hạt Vừng là dành cho những người yếu thế. Điểm đầu dự kiến là Yên Bái, sau đó là Lào Cai. Quyên góp được bao nhiêu, nhóm giải ngân ngay đến đó với tinh thần: Minh bạch - Tận tâm - Tốc độ.
“Chúng tôi thực chẳng nghĩ nhiều về vai trò, trách nhiệm của trí thức, nghệ sĩ gì cả. Giống như cái cách chúng tôi đã làm, đang làm và sẽ làm thôi", nhà văn Hoàng Anh Tú tâm sự và chia sẻ rằng, “Mỗi chúng ta đều là một Hạt Vừng. Thậm chí gọi là Quỹ Hạt Vừng nghe to lớn chứ chúng tôi chỉ là nhóm thiện nguyện Hạt Vừng. Mà trong đó, danh tính của chúng tôi ai cũng là Hạt Vừng thay vì nhà văn, nhà báo, đạo diễn hay bất cứ một chức danh nghề nghiệp nào. Có lẽ nhờ thế mà chúng tôi đã quy tụ được hàng triệu Hạt Vừng vô danh khắp nơi, có những khoản đóng góp chỉ 13.500 đồng với lời nhắn: “Em chỉ còn bấy nhiêu thôi, xin tặng đồng bào một chai nước”. Hay những khoản tiền lẻ đến 20 đồng con xíu chỉ vì: “Em vét sạch tài khoản mình đến từng số lẻ. Xin lỗi, em chỉ có bấy nhiêu” của... chính những công nhân đã từng được nhận tiền quyên góp đợt trước. Hay như bão lũ này, từ chính những bác sĩ, bệnh nhân ở Sài Gòn trước kia từng nhờ Quỹ Hạt Vừng trao tặng hơi thở. Chúng tôi gọi đó là Đáp Đền Tiếp Nối. Mỗi chúng ta ai cũng là một Hạt Vừng là vậy.
Nhưng đúng, ngoài xã hội, chúng tôi cũng còn là những trí thức, văn nghệ sĩ nên chúng tôi có trách nhiệm nêu gương, có trách nhiệm trước những người thương mến mình, có trách nhiệm với mỗi đồng tiền mọi người gửi gắm cho chúng tôi. Vì đó còn là uy tín của chính bản thân mình. Chúng tôi không dùng uy tín để gây quỹ nhưng chúng tôi dùng uy tín để cam kết về sự quyên góp của mọi người gửi đến chúng tôi sẽ đến tận tay người dân bão lũ.
Tôi nghĩ uy tín của trí thức, văn nghệ sĩ chính là bảo chứng của lòng tốt mà mọi người đã gửi gắm đến cho chúng tôi vậy”.
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, uy tín là thứ quan trọng nhất mà tri thức và văn nghệ sĩ có được. Nhờ lòng tin của mọi người vào uy tín đó mà mọi người sẵn lòng quyên góp. Nhưng cũng vì uy tín đó mà trí thức, văn nghệ sĩ càng phải gìn giữ, nghiêm cẩn trong việc sử dụng những đồng tiền quyên góp. Dù chỉ quyên góp một ngàn đồng thì cũng phải được trân trọng như một tỷ: “Ít nhất với Hạt Vừng của chúng tôi, nơi tập hợp không chỉ các văn nghệ sĩ, doanh nhân mà còn là độc giả của chúng tôi, những người yêu mến chúng tôi, có khi còn rất nghèo. Chúng tôi không biết những trí thức, nghệ sĩ khác thế nào nhưng với Hạt Vừng, chúng tôi muốn lan toả lòng tốt, sự tử tế, lòng trắc ẩn nhiều hơn trước cộng đồng những người yếu thế. Để ai cũng có thể trở thành một Hạt Vừng”.
Với nhà văn Hoàng Anh Tú, cái Tâm là thứ bắt buộc phải có và là thứ khởi phát cho việc chúng ta đi làm từ thiện. Nhưng nếu chỉ có mỗi cái Tâm không thôi thì anh thật lòng khuyên những ai như thế chỉ nên tham gia quyên góp chứ không nên dấn sâu hơn. Bởi lẽ công tác tình nguyện đòi hỏi cả sự hiểu biết nữa. Phải có kiến thức. Như khi lên đường tới những nơi muốn làm từ thiện thì chúng ta phải hiểu biết và có kiến thức về nơi đó: “Tránh để người đi cứu trợ lại cần người đến cứu nạn”. Rồi kiến thức để biết làm sao cho minh bạch, làm sao cho rõ ràng. Có kiến thức không phải chỉ để tránh những hệ luỵ không đáng có về uy tín mà còn là để biết phân bổ được nguồn tiền. Bởi thứ ta đang nắm giữ vốn không chỉ là những thiện tâm của mọi người mà còn là sự tin tưởng giao phó, là hy vọng của rất nhiều người, cả người trao cho và cả người nhận lãnh. Nếu chỉ có Tâm không thôi thì chỉ nên sử dụng cái Tâm của mình, đừng kêu gọi cái Tâm của người khác để mà gánh vác rồi sụn lưng lúc nào không hay. Những lòng trắc ẩn của cả xã hội. Đó là sự lan toả và truyền cảm hứng thúc giục những điều tốt đẹp, thiện lành của mọi người. Tôi tin vào sự tử tế và tốt đẹp trong ai cũng có, chỉ cần nó được kích hoạt là bừng nở, như những ngày bão lũ vừa qua vậy”.
Về việc lợi dụng từ thiện để trục lợi cá nhân, theo nhà văn Hoàng Anh Tú, xã hội lúc nào cũng có những người như vậy, không chỉ trong mùa bão lũ. Như những người bệnh ung thư vẫn bị lừa đảo, trước cổng các bệnh viện luôn có những kẻ cò mồi, người nghèo vẫn bị lừa tiền bạc và cả khi trời yên bể lặng, bằng cách này hay cách khác vẫn đầy rẫy kẻ lừa đảo: “Thế nên thay vì ta kích động sự phẫn nộ tập thể, hãy nhìn vào những điều tích cực, lan tỏa điều tích cực, cổ vũ sự tử tế để lấy cái đẹp mà dẹp đi cái xấu vậy. Tôi vẫn nói với độc giả của mình, cái like, cái share của chúng ta chỉ cần có trách nhiệm một chút thôi là đã đủ thay đổi được xã hội rồi. Ai cũng sẽ nhận được về đúng thứ mà họ cho đi. Đó là quy luật vận hành của tự nhiên rồi!”.
Về sự minh bạch khi làm từ thiện, mỗi thành viên trong nhóm luôn tâm niệm việc báo cáo không phải chỉ dành những nhà hảo tâm đã tin tưởng vào nhóm, mà là với từng người biết đến Hạt Vừng, là tấm lòng thơm thảo của mọi người. Nhóm có trách nhiệm phải giữ được sự tử tế, lòng tốt của mọi người.
Thứ hai, với Hạt Vừng, thứ mà nhóm trân trọng là tấm lòng chứ không phải giá trị số tiền quyên góp với ý thức rằng những khoản quyên góp không minh bạch sẽ khiến tất cả những gì nhóm làm đều trở thành không minh bạch.
Thứ ba, sao kê, nhờ công nghệ sẵn có, nên quyên góp đồng nào hiện lên ngay đồng đó.
“Sự minh bạch phải được hiểu rằng cách chúng ta giải ngân dù chỉ một đồng cũng phải minh bạch. Minh bạch không chỉ ở số tiền trao mà còn cả việc một chai nước suối của đoàn đi trao tiền cứu trợ cũng không sử dụng tiền quỹ”, nhà văn Hoàng Anh Tú nói.