Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ sinh kế giảm nghèo bền vững
Những năm qua, thông qua Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã hỗ trợ, đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo, từng bước giúp người dân vươn lên trong cuộc sống.
Nhằm trợ hỗ trợ, tạo điều kiện về tư liệu sản xuất giúp người nghèo phát triển kinh tế, hạn chế tái nghèo, thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo bền vững. Người dân không chỉ nhận hỗ trợ một cách thụ động mà đã chủ động, không trông chờ ỷ lại, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Gia đình chị Ngô Thị Hằng (ở thôn Tô Đà 1, xã Thủy Tân, thị xã Hương Thuỷ) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của địa phương. Chồng mất sớm, bản thân chị Hằng thường xuyên ốm đau bệnh tật, suy giảm khả năng lao động, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên đời sống kinh tế hết sức khó khăn.
Cuối tháng 4/2023, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững, thị xã Hương Thuỷ đã hỗ trợ gia đình chị Hương 150 con gà giống và thức ăn, với tổng trị giá hơn 11 triệu đồng nhằm tạo sinh kế cho gia đình.
Theo chị Hương, việc được hỗ trợ sinh kế là nguồn động viên rất lớn, là động lực để gia đình chị tích cực lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
“Sau một thời gian chăm sóc, đàn gà được gia đình xuất bán được hơn 17 triệu đồng, toàn bộ kinh phí đó dành để chi tiêu và lo cho con cái ăn học. Đồng thời, tôi tiếp tục phát triển đàn gà mới, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”, chị Hương chia sẻ.
Theo UBND thị xã Hương Thủy, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn thị xã đạt 2,23%. Toàn thị xã có 166 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,64%; trong đó, hộ nghèo không có khả năng lao động là 115 hộ, chiếm tỷ lệ 69,28% số hộ nghèo; hộ nghèo có khả năng lao động là 51 hộ, chiếm tỷ lệ 30,72% số hộ nghèo. Hiện nay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất được ngân hàng chính sách xã hội thị xã cho vay vốn.
Người nghèo trong độ tuổi, đủ năng lực lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.
Trong những năm qua, thông qua Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, thị xã Hương Thủy đã hỗ trợ, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Thực hiện nguồn vốn của năm 2023, dự án phát triển đàn lợn móng cái sinh sản an toàn sinh học cho 5 tổ cộng đồng gồm 16 hộ dân trên địa bàn với tổng kinh phí thực hiện hơn 461 triệu đồng.
Đối với dự án phát triển chăn nuôi gà thương phẩm thả vườn an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 20 tổ cộng đồng gồm 125 hộ dân, đến nay đã thực hiện cấp phát con giống và thức ăn để người dân thực hiện chăn nuôi, phát triển sản xuất. Tổng kinh phí thực hiện hơn 2,796 tỷ đồng; trong đó ngân sách hỗ trợ là 1,630 tỷ đồng, người dân đối ứng là 1,165 tỷ đồng.
Ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Thị ủy Hương Thủy, Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững thị xã Hương Thủy cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, địa phương đã tập trung triển khai lồng ghép nhiều chương trình, dự án tập trung hỗ trợ cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, như hỗ trợ nhà ở, vật tư, phương tiện sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động…
Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn thị xã tiếp tục được bảo đảm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn đến các dịch vụ cơ bản của xã hội. Nhiều chính sách xã hội đã đi vào thực chất, đóng vai trò làm đòn bẩy hỗ trợ các đối tượng yếu thế vươn lên.
Thị ủy Hương Thủy cũng đã ban hành Nghị quyết 04 về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thành lập ban chỉ đạo Giảm nghèo bền vững thị xã và các xã, phường với mục tiêu từ nay đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,84%. Tỷ lệ này sẽ đưa thị xã Hương Thủy không còn hộ nghèo, chỉ còn những hộ thuộc đối tượng bảo trợ.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Hương Thủy đặt ra nhiều giải pháp, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, qua đó nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, làm sao để khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại để vươn lên thoát nghèo bằng chính nỗ lực bản thân…
“Hương Thủy tiếp tục phát huy tối đa các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, như ưu tiên đầu tư hạ tầng, công trình giao thông nông thôn, đường dân sinh, hệ thống tưới tiêu… phục vụ sản xuất. Kết hợp với nguồn vốn từ Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, địa phương sẽ trích một phần ngân sách hàng năm, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ nghèo vay vốn có điều kiện phát triển kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cũng là những giải pháp căn bản, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững”, ông Sơn cho biết.
Với các mô hình hỗ trợ sinh kế được triển khai trong thời gian qua trên địa bàn thị xã Hương Thủy, đã góp phần giúp người dân cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.