Kinh tế

Tìm cách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

THANH GIANG 07/10/2024 17:47

Thời gian qua, các ngành hàng tập trung nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tuy nhiên, tỷ lệ thực tế chưa như mong đợi.

tren.jpeg
Doanh nghiệp Việt tìm kiếm cơ hội trở thành nhà cung ứng cho doanh nghiệp nước ngoài.

Tỷ lệ nội địa hóa vẫn thấp

Nói về tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam, ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM cho hay, nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam, tuy nhiên một trong những khó khăn mà DN Nhật Bản gặp phải là tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam vẫn thấp hơn so với các quốc gia khác. “Đơn cử, tại Indonesia, tỷ lệ mua sắm nội địa đạt 53,3%, trong khi ở Việt Nam chỉ là 41,9%. Tỷ lệ mua sắm nội địa này bao gồm cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Nếu tính tách riêng hẳn thì tỷ lệ nội địa tại Việt Nam chỉ là 17,2%, so với 25,9% ở Indonesia” - ông Matsumoto Nobuyuki dẫn chứng và thông tin thêm, tỷ lệ thu mua từ các DN địa phương Việt Nam tăng trưởng dần qua các năm nhưng nhìn chung thì tỷ lệ nội địa hóa chưa cao.

Đối với lĩnh vực công nghiệp ô tô, Bộ Công thương cho biết, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra vào năm 2020 là 30 – 40%, năm 2025 là 40 – 45% và 50 – 55% vào năm 2030. Tuy nhiên, con số thực tế về tỷ lệ nội địa hóa của ngành này mới đạt mức bình quân khoảng 7 – 10%. Theo Cục Công nghiệp, cả nước có 377 DN ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô. Các DN công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam cũng mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, ông Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho biết, trong gần 1 triệu DN chỉ có khoảng 5.000 DN thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 5.000 DN này chỉ có 100 DN là nhà cung ứng cấp 1. Tỷ lệ DN Việt trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu là rất thấp.

Cần hệ sinh thái hỗ trợ và tăng kết nối

Ông Ono Masuo – Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM nhận định, sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò thiết yếu đối với sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Với số lượng ngày càng gia tăng của các DN Nhật Bản gia nhập thị trường Việt Nam, việc mở rộng nguồn cung ứng tại địa phương thông qua sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mang lại nhiều lợi ích to lớn. Cũng theo ông Ono Masuo, việc thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước không chỉ giúp Việt Nam củng cố nền tảng công nghiệp nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn giúp Nhật Bản mở rộng cơ hội kinh doanh.

Giới chuyên gia cho rằng, sở dĩ DN Việt chưa tiếp cận được chuỗi cung ứng có vốn nước ngoài là do trình độ sản xuất, chất lượng lao động, trình độ quản trị,... chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều ý kiến cho rằng, cần một hệ sinh thái hỗ trợ từ nhà nước. Trong đó, đổi mới cách tiếp cận về cải cách thể chế và chính sách hỗ trợ đối với DN. Ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nhận định, chính sách hỗ trợ của nhà nước về công nghiệp hỗ trợ đã có nhiều DN lớn tiếp cận được rồi. Nhưng để DN vừa và nhỏ tiếp cận những chính sách này cần chuẩn bị thủ tục và có thể sẽ tiếp cận chậm hơn. “Cần có một tổ chức tư vấn, hỗ trợ riêng cho nhóm DN này với điều kiện chỉ hỗ trợ khu DN hợp tác với các DN FDI hoặc những tập đoàn lớn nước ngoài để cung ứng những sản phẩm công nghệ phục vụ cho công nghệ cao” - ông Trần Việt Anh nêu quan điểm.

Nhận định về tỷ lệ nội địa hóa hiện nay trong cộng đồng DN, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng: “Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tuy đã có những bước tiến tích cực trong thời gian đây nhưng tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn chưa đạt kỳ vọng. Trong khi nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia về nguồn cung ứng nội địa ngày càng gia tăng, đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ công nghệ cao như hàng không, điện tử và ô tô”. Theo ông Hoan, DN Việt phải kết nối với DN FDI, trong đó có cả DN Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực sản xuất và từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm nay, vốn đầu tư mới và mở rộng của Nhật Bản đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 113% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 3, sau Singapore và Hồng Kông. Trong khảo sát năm ngoái, Việt Nam xếp hạng là quốc gia triển vọng thứ hai trên thế giới về mở rộng kinh doanh, chỉ sau Hoa Kỳ. Về triển vọng nội địa hóa trong tương lai, 43,2% doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi sẽ mở rộng tại Việt Nam, cao hơn nhiều so với mức trung bình 28.8% của Asean.

THANH GIANG