Phát lộ con đường 'Thiên lý Bắc - Nam'
Trong lúc phát quang bụi rậm, người dân ở phía Nam đèo Ngang đã phát hiện một lối mòn được xếp bằng các bậc đá cổ vắt ngang qua Hoành Sơn quan. Việc phát lộ những bậc đá này đã góp phần quan trọng xác định lối đi của đường “Thiên lý Bắc - Nam” và hiểu thêm cách người xưa vượt đèo Ngang hiểm trở như thế nào.
Con đường đá cổ 1.000 bậc
Được người dân xã Quảng Đông thông tin, chính quyền huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức khảo sát một lối mòn được xếp bằng các bậc đá cổ xưa, xếp chồng xen kẽ lên nhau, vừa dấu chân đi, nối từ đền Thánh mẫu Liễu Hạnh lên di tích Hoành Sơn quan.
Ông Trần Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: Con đường đá này đã bị phủ lấp bởi cỏ cây suốt nhiều năm qua. Khi phát quang, chúng tôi xác định, điểm khởi đầu của con đường đá cổ nằm tại bia Hạ Mã, trước cổng đền Thánh mẫu Liễu Hạnh (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch). Đường men theo triền núi, xuyên qua khu rừng rậm rạp, dẫn lên đỉnh đèo Ngang - nơi tọa lạc Hoành Sơn quan, một công trình lịch sử quan trọng trên tuyến đường qua Hà Tĩnh.
Con đường dài hơn 1km và bao gồm khoảng 1.000 bậc đá cổ, được xây dựng và tồn tại gần 200 năm dưới thời nhà Nguyễn. Dọc trên đoạn đường này còn có những ngôi mộ dựng lên bằng đá để đánh dấu nấm mộ. Có thể đây là mộ của những binh lính canh cổng Hoành Sơn quan ngày xưa nằm lại được chôn cất tại chỗ và được xây bằng đá.
Ông Trung cho biết, việc khôi phục con đường “Thiên lý Bắc - Nam” mang ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, lịch sử ở di tích đền Thánh mẫu Liễu Hạnh nhằm phục vụ tín ngưỡng của người dân, tạo nên điểm đến ấn tượng cho du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh ở khu vực phía Bắc của tỉnh…
“Khi đến đây, sau khi tham quan, chiêm bái đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, du khách có thể đi trên những bậc đá của con đường “Thiên lý” năm xưa để trải nghiệm và chiêm ngưỡng những cảnh quan kỳ vĩ ở đèo Ngang… Đồng thời, việc khôi phục con đường còn góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều khía cạnh về khảo cổ chưa được biết đến về lịch sử của Hoành Sơn quan và các khu vực lân cận” - ông Trung chia sẻ thêm.
Con đường độc đạo vắt qua Hoành Sơn
Theo sử sách ghi lại, tháng 3/1833, vua Minh Mạng thiết lập cửa ải trên dãy Hoành Sơn nhằm kiểm soát dân chúng, phòng kẻ gian qua lại với tên gọi “Hoành Sơn quan” hay còn gọi là “cổng trời”, thuộc địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình). Khách bộ hành dọc đường “Thiên lý Bắc - Nam” phải qua con đường duy nhất vắt qua Hoành Sơn này.
Cửa Hoành Sơn ngày xưa là một điểm quan trọng trấn giữ con đường “Thiên lý Bắc - Nam” với chiều cao hơn 4m. Cửa ải được xây trên núi, xung quanh xây dựng bằng đá, phía trước có mở một cửa, bên tả bên hữu có tường ngăn, có trại lính. Cùng thời điểm này, con đường “Thiên lý Bắc - Nam” cũng được xây dựng giữa 2 mái núi Hà Tĩnh và Quảng Bình với mỗi bên mái núi có 1.000 bậc thang đá để khách bộ hành qua lại.
Đội quân xây dựng Hoành Sơn quan có khoảng 300 người trong thời gian 1 tháng, do Bố chính Quảng Bình Trần Văn Tuân cai quản. Sau khi cổng hoàn thành, 20 người lính thay phiên nhau canh giữ.
Sách Đại Nam thực lục chép: “Năm Minh Mạng thứ 14, quan Binh bộ xin đặt cửa quan ở Hoành Sơn, vua nghe lời tâu mà đặt tên là Hoành Sơn… Sau đó, vì thấy bộ Công nhiều việc, bèn sai thự (quyền) Bố chính Quảng Bình là Trần Văn Tuân chuyên coi mọi việc, vời Phú (là thự thị lang bộ Công Đoàn Văn Phú) về. 1 tháng làm xong, phái 1 suất đội và 20 người lính Quảng Bình đến đóng giữ, 1 tháng 1 lần thay phiên nhau”.
Viết về di tích Hoành Sơn quan, sách “Quảng Bình, thắng tích lục” đã ghi lại: Hoành Sơn tục gọi là đèo Ngang. Ngày xưa lấy đèo ấy làm giới hạn cho 2 xứ Nam và Bắc, mà ngày nay thì làm giới hạn cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trên đèo có 1 cái lũy cũ bằng đá của Lâm Ấp ngày xưa và 1 cái cửa bằng gạch xây từ năm Minh Mạng thứ 14 để làm chỗ sơn phòng. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), xây ở trên đỉnh núi 1 cái cửa gọi là Hoành Sơn quan, 2 bên cửa có tượng đá, 1 bên chạy vào núi, 1 bên chạy xuống biển. Ở đó đặt đồn lính canh phòng nghiêm ngặt.
Trong bài viết “Đèo Ngang gánh nặng hai vai”, sách “Quảng Bình di tích và danh thắng” cũng đã ghi lại: Hoành Sơn quan - cửa quan được xây dựng từ triều Minh Mạng với 2 bức tường đá chạy theo hướng vô núi, xuống biển. Con đường ghép đá vượt qua “Hoành Sơn quan” từng in đậm dấu chân của biết bao danh nhân đất nước: Từ Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông đến Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan. Viết về con đường đá này, sách Đồng Khánh dư địa chí cũng có chép: “Một đường dịch lộ phía Nam giáp cửa Hoành Sơn quan ở Quảng Bình”.
Ông Mai Xuân Thành - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết: Việc phát hiện con đường đá cổ nối từ đền Thánh mẫu Liễu Hạnh lên đỉnh đèo Ngang, qua Hoành Sơn quan góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử; góp phần quan trọng giúp các nhà khoa học khảo cổ trong việc xác định lối đi của con đường Thiên lý Bắc - Nam qua núi Hoành Sơn. Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với huyện Quảng Trạch và các đơn vị liên quan trong công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử này.
Cửa ải Hoành Sơn quan ngày xưa là một điểm quan trọng trấn giữ con đường “Thiên lý Bắc - Nam” với cổng Hoành Sơn có chiều cao hơn 4m, được khởi công từ năm Minh Mạng thứ 14. Trong thời gian này, tuyến đường “Thiên lý Bắc - Nam” cũng được xây dựng giữa 2 mái núi Hà Tĩnh và Quảng Bình với mỗi bên có 1.000 bậc thang đá để khách bộ hành qua lại.